Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT&TT Tp. Hà Nội cho rằng, sở dĩ phải ứng dụng CNTT trong hoạt động xuất khẩu ở các DN và làng nghề vì phát triển kinh tế quan trọng nhất là hội nhập. Tức là không chỉ phát triển thị trường nội địa mà quan trọng nhất là phải xuất khẩu, để thu ngoại tệ nhằm phát triển kinh tế, đầu tư và hỗ trợ an ninh quốc phòng.
Thuyền thúng ra biển
Mặc dù trong thời kì bùng nổ thông tin, song rất nhiều DN xuất khẩu và làng nghề vẫn đang thiếu thông tin hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là thông tin thị trường quốc tế. Bởi DN chủ yếu mới chỉ mua phần mềm kế toán còn phần mềm khách hàng, nhân sự… lại chưa có. Dẫn đến năng lực tiếp cận, xử lí, lưu trữ và ứng dụng CNTT của các DN còn thiếu.
Ts. Nguyễn Văn Thoan, Trưởng bộ môn Thương mại điện tử, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đưa ra một ví dụ: để một nhân viên xuất nhập khẩu của DN, làng nghề trong vòng 1-2 phút có thể mở điện thoại rồi vào trang thông tin tìm được một khách hàng nhập khẩu hoặc DN nhập khẩu mặt hàng mây tre đan, gốm sứ… ở Mỹ, có lẽ vẫn đang là điều khó khăn? Mặc dù đa phần nhân viên đều dùng điện thoại thông minh có thể kết nối mạng một cách dễ dàng.
Nguyên nhân được Ts. Thoan chỉ ra: do những người đứng đầu chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử, nhân lực chưa được nâng cao trình độ CNTT. Một số DN làm wesite chỉ có in trên name card, có email riêng nhưng không sử dụng, làm xong website nhưng rồi bỏ đó, không tiếp tục các công việc tiếp theo…
Bên cạnh đó, các làng nghề Việt Nam vốn dĩ được hình thành trên cơ sở những kĩ thuật thủ công, đơn giản với quy mô nhỏ lẻ. Chính điều đó, đã tạo nên một nếp làm việc và suy nghĩ không mấy phù hợp với sự phổ quát rộng rãi của CNTT…
![]() |
Ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam thừa nhận, phạm vi ứng dụng CNTT đối với các DN làng nghề còn tương đối hạn chế ở một số lĩnh vực như quảng bá bán hàng, tài chính kế toán… Vì vậy, hiệu quả chưa tương xứng, nhiều DN đầu tư trang thiết bị nhưng lại thiếu nhân lực có kiến thức CNTT.
Như vậy, với tổng số trên 500.000 DN, làng nghề (chiếm 97% tổng số DN của cả nước) nhưng lại có quy mô bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu và đặc biệt yếu trong ứng dụng CNTT, nên khi hội nhập quốc tế các DN Việt Nam được ví giống như một đội thuyền thúng trước biển lớn.
Hội nhập 4 yếu tố
Ts. Thoan cho rằng, để ứng dụng CNTT hiệu quả cần 4 yếu tố: nhận thức của lãnh đạo, nguồn lực để đầu tư, phải nối mạng 3G và ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu phải tốt. Hội nhập 4 yếu tố này chắc chắn DN sẽ hội nhập sâu trên thị trường quốc tế.
Còn ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mô hình ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, nếu có 500.000 DN, mỗi DN phải có ít nhất 1 người có chuyên môn CNTT, mới quản lí được DN (DN nhỏ không đủ lớn để mua phần mềm CNTT cao hơn); DN từ 200 người trở lên cần ít nhất 4-5 người có chuyên môn CNTT, ứng dụng CNTT mới quản lí được.
“Đừng nên quan niệm đầu tư ứng dụng CNTT chỉ là đầu tư máy móc, thiết bị, phần mềm… Bởi, việc tổ chức ứng dụng CNTT một cách hiệu quả mới là điểm mấu chốt của thành công. Đặc biệt, khách hàng nước ngoài, đánh giá DN không chỉ đơn thuần là chất lượng sản phẩm mà họ còn đánh giá ở chất lượng dịch vụ, chất lượng trong việc hỗ trợ khi gặp vấn đề về sản phẩm và tính chuyên nghiệp khi hỗ trợ”, ông Lợi nói.
Ông Tôn Gia Hóa cho rằng, CNTT cũng cần thiết đối với thợ thủ công trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, mở rộng sản xuất, chú ý đến thị trường xuất khẩu. Ứng dụng CNTT rõ ràng là sẽ rất có lợi, rút ngắn thời gian cập nhật, linh hoạt cải tiến mẫu mã theo yêu cầu khách hàng, phù hợp với tình hình nguyên vật liệu cũng như thỗ nhưỡng của từng vùng. Đặc biệt nếu biết ứng dụng CNTT, các DN làng nghề sẽ tiếp cận được với công nghệ tiên tiến nhất, linh hoạt áp dụng từng bước để hoàn thiện, cải thiện hoàn cảnh, tiết kiệm chi phí.
Lê Thúy