Trên mạng xã hội Facebook, Zalo, trang Fanpage, không khó để bắt gặp tình trạng đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai với đủ mệnh giá. Chỉ cần tìm kiếm với một số từ khóa thông dụng như “tiền giả”, “triệu giả”, “polymer”, “T.I.Ề.N.G.I.Ả”,… người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả.
Gia tăng của tội phạm sản xuất và mua bán tiền giả
Tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Nam Định thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nam Định ra Quyết định Khởi tố vụ án, Khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Hoàng Văn Quảng (30 tuổi, thường trú ở khu 3, phường Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) về hành vi "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả".
Qua kiểm tra người và khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng công an phát hiện và thu giữ 3.100 tờ tiền giả có mệnh giá 5.000 đồng, 1.848 phôi tờ tiền chưa thành phẩm có mệnh giá 5.000 đồng, 1 laptop, 1 máy photo màu; 2 bàn cắt giấy và một số dụng cụ khác dùng để in ấn tiền giả. Đối tượng khai nhận tự học cách làm trên mạng và in mệnh giá nhỏ để tránh bị phát hiện.
Việc sản xuất, buôn bán tiền giả không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia. |
Cách đây ít lâu, tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), công an cũng đã bắt giữ 14 đối tượng sử dụng tiền âm phủ để lừa đảo, bán tiền qua mạng. Trong hơn nửa năm, ổ nhóm này thông qua mạng xã hội đã thực hiện hơn 23.000 đơn hàng giao bán tiền giả, số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 6 tỷ đồng.
Rõ ràng, tội phạm liên quan đến sản xuất và buôn bán tiền giả không phải là hiện tượng mới, nhưng đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, việc làm tiền giả đã trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn.
Đặc biệt là nhờ vào máy in laser chất lượng cao và kỹ thuật in 3D, các đối tượng tội phạm có thể tái tạo các chi tiết phức tạp trên tờ tiền giả, làm cho chúng trông giống như tiền thật. Với các thiết bị này, tội phạm có thể in ra hàng nghìn tờ tiền giả với độ chính xác cao, khó bị phát hiện bằng mắt thường. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi các mệnh giá tiền nhỏ, như 5.000 hoặc 10.000 đồng, thường dễ bị bỏ qua khi kiểm tra.
Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là dùng kỹ thuật quay phim, chụp ảnh để quảng cáo, tạo niềm tin với người tiêu dùng với những nội dung như “mua 1 triệu đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả”, “tiền giả giống tiền thật đến 99%”, “tiêu dùng thoải mái không lo phát hiện”… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Chúng thường giao dịch qua tài khoản mạng xã hội để thống nhất số lượng, giá cả, phương thức giao dịch và phương thức thanh toán; sử dụng tài khoản ảo, sim rác để che giấu nhân thân, lai lịch gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Đại úy Phan Quốc Việt – Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam Định cho biết, các đối tượng liên lạc với nhau qua các tài khoản mạng xã hội (các tài khoản này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn), tiền được mua bán tiền giả thường được các đối tượng giao dịch qua các tài khoản ngân hàng không chính chủ nên gây khó khăn trong công tác điều tra, truy bắt ổ nhóm các đối tượng liên quan.
Nguy cơ từ sự phát triển của công nghệ
Sự bùng nổ của công nghệ số và các tiến bộ trong lĩnh vực in ấn, chế tạo đang tạo ra một thách thức lớn cho việc phát hiện và ngăn chặn tiền giả. Theo các chuyên gia tài chính, việc sản xuất, buôn bán tiền giả không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia. Mỗi đồng tiền giả được lưu hành trên thị trường là một bước tiến gần hơn đến việc làm suy yếu lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính.
Trước tình trạng tội phạm làm tiền giả ngày càng tinh vi, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ và linh hoạt hơn để đối phó: việc nâng cao chất lượng của các đồng tiền thật, sử dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến như mực đổi màu, hình ảnh ba chiều (hologram), hay lớp phủ phản quang mà tội phạm khó có thể sao chép.
Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các doanh nghiệp về cách nhận diện tiền thật và tiền giả. Hệ thống tài chính cũng cần được trang bị các thiết bị kiểm tra tiền hiện đại để kịp thời phát hiện những trường hợp đáng ngờ.
TS Nguyễn Thùy Linh – chuyên gia tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng: “Việc chống lại tiền giả không chỉ phụ thuộc vào công nghệ, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng và cả người dân. Mỗi cá nhân cần phải trang bị cho mình kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân trước vấn nạn này”.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 4 tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 4,9 tỷ giao dịch với tổng giá trị đạt hơn 87 triệu tỷ đồng. Trong đó, thanh toán qua kênh internet đạt 916,7 triệu giao dịch với 22,5 triệu tỷ đồng; Qua kênh điện thoại di động 3,4 tỷ giao dịch với 22,4 triệu tỷ đồng; qua phương thức QR code đạt 101,2 triệu giao dịch với 126,8 nghìn tỷ đồng.
Bởi vậy, có thể nói việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử cần được đẩy mạnh để giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày. Điều này không chỉ giúp hạn chế nguy cơ tiếp xúc với tiền giả mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính không tiền mặt – xu hướng mà nhiều quốc gia đang hướng đến.
Lê Hồng