Giá lợn hơi hôm nay (25/9) tiếp tục giữ đà tăng nhẹ tại cả ba miền. Hiện tại, khu vực miền Bắc vẫn giữ giá giao dịch cao nhất cả nước. Giá khảo sát trên toàn quốc trong phiên sáng nay dao động trong khoảng 63.000 - 71.000 đồng/kg.
Cụ thể, sáng 25/9, giá heo hơi phía Bắc tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg tại Yên Bái và Ninh Bình, cùng đạt 69.000 đồng/kg, bằng giá giao dịch tại Hà Nam.
Hiện tại khu vực miền Bắc chỉ còn hai tỉnh Lào Cai và Nam Định đang mua bán tại mức 68.000 đồng/kg. Thương lái tại các địa phương còn lại thu mua trong khoảng 69.000 - 71.000 đồng/kg.
Một số địa phương nước lũ ngập sâu khiến các trang trại chăn nuôi chịu ảnh hưởng nhiều. |
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sau khi cùng điều chỉnh lên 1.000 đồng/kg, hiện giá heo hơi tại Quảng Trị và Ninh Thuận đạt 65.000 đồng/kg, Đắk Lắk đạt 66.000 đồng/kg.
Theo khảo sát mới nhất, heo hơi tại thị trường này đang được giao dịch trong khoảng 64.000 - 69.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi phía Nam cũng nhích nhẹ 1 giá tại Bạc Liêu, Hậu Giang và TP HCM, lần lượt đạt giá 64.000 đồng/kg, 65.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn quận Thanh Xuân, cho thấy, giá thịt lợn đang được bán với giá dao động từ 130.000 -170.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, sườn non, nạc vai và ba chỉ thường có giá cao hơn, dao động 150.000-170.000 đồng/kg.
Bà Lã Thị Liễu – một tiểu thương chuyên bán thịt lợn tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, sau đợt mưa bão vừa qua do ảnh hưởng nguồn cung ứng khiến giá lợn hơi tăng mạnh và đã đẩy giá thịt lợn lên cao.
Còn theo giới chuyên môn, nguyên nhân khiến giá lợn hơi liên tiếp tăng trong những ngày gần đây một phần là do ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho các trang trại, nhiều nơi mất trắng hoặc chuồng trại bị ngập sâu, một phần giao thông bị gián đoạn cũng khiến giá lợn hơi tăng cục bộ tại một số địa phương.
Ông Nguyễn Văn Chinh - Ban quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam - cho hay bão lũ khiến các hoạt động thu mua và nuôi heo chưa thể phục hồi nhanh nên nguồn cung giảm. Lúc cao điểm, lượng heo sống đổ về chợ khoảng trên dưới 1.500 con một ngày; giờ chỉ còn khoảng 1.100-1.200 con mỗi ngày.
Chuồng trại ngập nước không chỉ gây ảnh hưởng về nguồn cung ứng mà còn tiềm ẩn dịch bệnh lây lan. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bão số 3 và mưa lớn đã khiến 26.485 con gia súc và gần 3 triệu con gia cầm bị chết. Chuồng trại bị phá hủy nghiêm trọng, làm việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, theo thống kê, các tỉnh miền Bắc có khoảng hơn 22.000 gia súc, hơn 3 triệu con gia cầm bị chết do bão lũ vừa qua.
“So với tổng đàn hơn 30 triệu con gia súc và hàng trăm triệu con gia cầm thì số lượng bị chết do lũ lụt vừa qua không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới", ông Thắng nói.
Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ về con giống, thức ăn, vật tư, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, lũ lụt xảy ra vừa qua cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung thực phẩm của thị trường trong nước.
“Bão lụt có ảnh hưởng nhất định đến thị trường, nhưng không đáng kể, bởi tỷ lệ giữa tổng đàn với thiệt hại vừa xảy ra chỉ chiếm vài %. Do đó, nếu chúng ta tổ chức sản xuất khéo thì vẫn bù đắp đủ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm người chăn nuôi còn thời gian từ 4-5 tháng, đảm bảo đủ 1 chu kỳ trong chăn nuôi để tái đàn, đủ thời gian để cấp bù phần thiếu hụt do số lượng chết vì lũ lụt”, ông Dương nói.
Hồng Hương