Đây là thông tin được Towers Watson Việt Nam công bố ngày 6/11 trong “Nghiên cứu khảo sát Lương và Chế độ đãi ngộ năm 2014”.
Tăng lương… thua 2013
Theo kết quả khảo sát, mức tăng lương trung bình năm nay là 9,6%; ngành dược phẩm có mức tăng bình quân cao nhất 11,2% và ngành bảo hiểm có mức tăng lương trung bình thấp nhất, ở mức 7,2%. Tuy nhiên, mức tăng lương trung bình cũng giảm đáng kể từ 11,7% năm 2013 xuống 9,6% trong năm 2014.
Cùng với đó, 12,7% là tỷ lệ nghỉ việc trung bình năm 2014 ở Việt Nam, mặc dù ngành dược phẩm có tỉ lệ tăng lương trung bình cao nhất nhưng đồng thời cũng là ngành có tỷ lệ nghỉ việc trung bình cao nhất 15,9% trong năm 2014, tỷ lệ nghỉ việc của ngành dịch vụ tài chính và ngành bảo hiểm cũng không khác biệt khi hai ngành này vẫn thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung với mức tương ứng là 13,6% và 13,9%.
![]() |
Ngành dược dẫn đầu về tỷ lệ tăng lương nhưng cũng đứng đầu về tỷ lệ nghỉ việc.
Bà Vũ Thị Huyền Trang, Trưởng phòng Dịch vụ Dữ liệu của Towers Watson Việt Nam, cho biết sở dĩ Nghiên cứu khảo sát Lương và Chế độ đãi ngộ năm nay của Towers Watson tập trung vào các ngành chủ đạo tại Việt Nam bao gồm dịch vụ tài chính, bảo hiểm, dược phẩm, công nghệ cao và sản xuất là để phản ánh trung thực tình hình hiện tại của những ngành này. Mức tăng lương trung bình đạt ở mức 9,6% chủ yếu do ngành dược phẩm và sản xuất dẫn đầu ở mức cao”.
Tăng lương, đừng quên tăng chất
Tuy nhiên mặc dù mức lương trung bình vẫn được dự báo tăng nhưng bà Huỳnh Thu Hường, Tổng Giám đốc Towers Watson Việt Nam, lại nhận định trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các công ty cần thận trọng cân nhắc việc hoạch định ngân sách cho năm tới. Việc xây dựng kế hoạch và chính sách lương thưởng khác biệt rõ ràng giữa nhóm nhân viên có kỹ năng cao, nhóm nhân viên có tiềm năng, và nhóm nhân viên làm việc hiệu suất trung bình là quan trọng hơn bao giờ hết nhằm giúp tối ưu hóa ngân sách của công ty.
Theo bà Hường, thách thức đối với DN hiện nay là củng cố sự gắn kết của nhân viên, giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc và bảo đảm được tính cạnh tranh trong vòng xoáy tăng lương bù lạm phát. Bởi, tiền lương luôn là yếu tố hàng đầu để thu hút và giữ chân nhân viên có tay nghề cao. Do vậy, các DN cần thiết xây dựng một chính sách lương thưởng hiệu quả, cân bằng giữa nhu cầu và kỳ vọng của các bên.
Thực tế, trong bối cảnh áp lực chi phí và sự thiếu hụt nhân tài ngày càng nghiêm trọng hơn nên các công ty cần nêu bật việc đề cao giá trị của người lao động, cung cấp một môi trường làm việc tuyệt vời, và lý do tại sao công ty thu hút và giữ chân được những người giỏi nhất, để hỗ trợ việc tuyển dụng, duy trì và nhận được sự cống hiến nhiều nhất từ nhân viên.
Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia cộng đồng chung kinh tế ASEAN, bên cạnh điểm mạnh của Việt Nam khi có nguồn lao động dồi dào, DN cần phải tìm cách khắc phục điểm yếu khi năng lực lao động của chúng ta đang thấp hơn các nước trong khu vực nhiều lần. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chỉ ra rằng xét trong khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, chỉ bằng 1/5 Malaysia và bằng 2/5 Thái Lan.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam không khắc phục được điểm yếu này, rất có thể lao động từ các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia… sẽ sang Việt Nam đảm nhiệm được những vị trí cấp cao, trong khi đội ngũ lao động của Việt Nam lại phải sang các nước này tìm cơ hội và phải làm những công việc nặng nhọc.
Thêm vào đó, bản thân lãnh đạo các DN cần biết rằng, chế độ đãi ngộ lao động phải hội tụ cả ba yếu tố là lương, cơ hội nghề nghiệp và môi trường làm việc. Như thế mới thu hút được nhiều nhân tài, bởi đôi khi chỉ dùng tiền lương thôi thì không đủ sức hấp dẫn. Trong khi đó, lợi thế của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam là cho ứng viên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội làm việc tại nước ngoài cũng như cơ hội xây dựng danh tiếng cá nhân, mức lương thỏa đáng.
Lê Thúy