Ngày 25/3, Cục Thú y cho biết, sau khi dịch tả lợn châu Phi qua giai đoạn cao điểm vào tháng 7/2019, các địa phương bắt đầu tổ chức tái đàn. Việc tái đàn lợn cần ít nhất từ 5-7 tháng, vì vậy từ tháng 1/2020 mới có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn với tổng đàn lợn hiện tại gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019).
![]() |
Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 là 3,9 triệu tấn |
Trong đó: tổng đàn lợn nái sinh sản có 2,62 triệu con (không bao gồm 110 ngàn con lợn ông bà và cụ kỵ), dự kiến tăng trưởng đàn nái là 0,5%/tháng (6%/năm), đến cuối năm 2020 đạt khoảng 2,9 triệu con, trung bình tổng đàn nái cả năm 2020 là 2,76 triệu con. Với khả năng sản xuất bình quân 18 lợn con cai sữa/nái/năm, tỷ lệ lợn nuôi sống đến xuất chuồng là 90% và trọng lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 86kg/con.
Theo đó, Cục Thú y dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 là 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với năm 2018). Cụ thể, tính theo từng quý: Quý I/2020 đạt 810 nghìn tấn; Quý II/2020 đạt 950 nghìn tấn; Quý III/2020 đạt 1,016 triệu tấn; Quý IV/2020 đạt 1,083 triệu tấn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu thịt lợn trung bình trong năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi) là khoảng 920 nghìn tấn (chưa tính lượng thịt lợn xuất khẩu), vì vậy Cục Thú y dự báo cuối quý II, đầu quý III có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn.
Hiện tại, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (17 doanh nghiệp) có tổng đàn lợn giống ông bà tăng trung bình 8,24%; tổng đàn lợn thịt, lợn choai của các doanh nghiệp trong quý I/2020 dự kiến là 3,82 triệu con, tăng 17% so với số lượng lợn vào tháng 12/2018.
Trước đó, để đảm bảo cung cầu thịt lợn trong nước, Bộ NN&PTNT đã trực tiếp kết nối Tập đoàn Miratorg của Nga và Tập đoàn Masan của Việt Nam để đẩy nhanh việc hợp tác nhập khẩu, phân phối, tiêu thụ thịt lợn.
Đại diện Tập đoàn Miratorg kỳ vọng trong năm 2020 này sẽ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam trên 50.000 tấn thịt lợn và tăng dần ở các năm tiếp theo.
Thy Lê