Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, đến kỳ điều hành ngày 21/7/2023, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 21 kỳ điều hành giá.
So với cùng kỳ năm 2022 (kỳ điều hành 21/7/2022), giá các mặt hàng xăng dầu giảm từ 4,97 - 23,99%. |
So với cùng kỳ năm 2022 (kỳ điều hành 21/7/2022), giá xăng RON92 ở mức 21.639 đồng/lít, giảm 13,28%; xăng RON95 ở mức 22.792 đồng/lít, giảm 12,57%; dầu hỏa ở mức 19.189 đồng/lít, giảm 23,99%; dầu diesel ở mức 19.500 đồng/lít, giảm 21,55% và dầu mazut ở mức 15.725 đồng/kg, giảm 4,97%.
Bộ Công Thương khẳng định luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường...
Trên cơ sở kết quả thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kế hoạch bảo trì nhà máy của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, đã thực hiện điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 6 tháng cuối năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Vừa qua, thông tin Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ dừng hoạt động 55 ngày kể từ ngày 25/8 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi hiện xăng dầu Nghi Sơn đang đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và phần phân giao bổ sung, đối chiếu với kết quả đã thực hiện 6 tháng đầu năm để chủ động nhập khẩu xăng dầu trong tháng 7, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không được để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro cho biết, Bộ Công Thương đã tăng phân giao thêm cho doanh nghiệp này hơn 20.000 m3/tháng, như vậy mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu khoảng 70.000 m3, đây là con số khá khó khăn.
Thêm vào đó, ở góc độ doanh nghiệp, nhập khẩu sẽ cần phải tính toán bài toán doanh thu và lợi nhuận. “Sợ nhất là tăng nhập khẩu xong không bán được, nhập khẩu còn liên quan tới đầu ra, có bán được hay không hay lại tồn đọng”, ông Thoại cho biết.
Thy Lê