FLC sẽ mua của Boeing 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner |
Hãng Reuters cho biết, thương vụ này có giá trị niêm yết 5,6 tỷ USD. Theo đó, từ tháng 4/2020 đến hết 2021, Tập đoàn Boeing sẽ dần bàn giao 20 máy bay thuộc dòng Boeing 787-9 Dreamliner cho Bamboo Airways. Đại diện hãng hàng không mới cho biết đã hoàn thành thủ tục đặt cọc nhưng từ chối tiết lộ con số.
Đây là thương vụ mua sắm thứ hai của Bamboo Airways. Trước đó, hồi tháng 3/2018, Bamboo Airway cũng ký kết Hợp đồng thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Tập đoàn Airbus của Pháp, tổng giá trị hợp đồng theo niêm yết là 3,1 tỷ USD.
Hai thương vụ liên tiếp này của Bamboo Airways khiến FLC phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ gần 9 tỷ USD. Khoản tiền này, được nhiều chuyên gia dự đoán là vượt khỏi giá trị của cả Tập đoàn FLC. Vậy, FLC lấy tiền đâu để thực hiện những thương vụ khổng lồ này?
Giới chuyên gia nhận định, các thương vụ này của FLC là đang học theo cách làm của Vietjet Air.
Cụ thể, trong 2 năm 2014 – 2016, Vietjet Air đã bỏ ra trên 20 tỷ USD để mua tới 183 máy bay các loại từ Airbus và Boeing. Tuy nhiên, theo số liệu từ Planespoter, đội bay của Vietjet vẫn gồm 40 chiếc, chỉ 5 trong tổng số 40 chiếc máy bay này là thuộc sở hữu của hãng.
Sở dĩ đa số máy bay trong đội bay của Vietjet là máy bay thuê vì hãng đã áp dụng nghiệp vụ tài chính “mua và thuê lại” (“sale and lease back” – SLB), vốn rất phổ biến trong ngành hàng không, được nhiều hãng áp dụng để xoay vòng vốn trong trung hạn.
Theo đó, các hãng sản xuất máy bay như Boeing và Airbus sẽ cung cấp cho đối tác những hợp đồng thuê mua. Nghĩa là thay vì bắt Vietjet chi trả toàn bộ tiền mua máy bay ngay lập tức, Boeing hay Airbus vẫn sản xuất và giao máy bay cho Vietjet Air vận hành và sau đó thu tiền dần dần.
Thực chất, Boeing cho Vietjet thuê máy bay của mình và phải sau một thời gian rất dài vận hành (từ 10 – 20 năm tùy hợp đồng), chiếc Boeing 737 mới thuộc quyền sở hữu của Vietjet Air.
Mảng mua và thuê lại (SLB) bản chất bao gồm 3 bước. Đầu tiên, hãng hàng không ký hợp đồng mua máy bay với nhà sản xuất (Airbus hoặc Boeing). Thông thường các hãng hàng không sẽ ký hợp đồng mua máy bay với các nhà sản xuất và trả trước một khoản tiền 1-5% giá trị hợp đồng. Sau đó sẽ thỏa thuận việc bán và thuê lại những máy bay này với các công ty cho thuê (leasing companies).
Tiếp đến, các hãng hàng không thỏa thuận việc bán lại máy bay cho các công ty tài chính. Đến thời hạn nhận máy bay, hãng hàng không sẽ giao máy bay và giấy tờ cho công ty tài chính và lấy tiền từ công ty tài chính đi thanh toán chi phí mua máy bay. Hãng hàng không sau đó sẽ thuê lại máy bay từ công ty tài chính với mức chi phí cố định. Hợp đồng thuê thường kéo dài 6-12 năm, với phí thuê cố định hàng tháng (khoảng 500.000 – 750.000 USD/tháng)
Đến khi hết thời hạn hợp đồng, hãng hàng không trả lại máy bay (nếu là thuê hoạt động) hoặc giữ lại máy bay (nếu là thuê tài chính).
Với cách thức này, các hãng hàng không đã không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay.
Như vậy, với phương thức này, Bamboo Airways chỉ cần đặt cọc 1-1,5% giá trị hợp đồng, tương đương với khoảng hơn 100 triệu USD cho cả hai thương vụ trên và trả tiền chi phí thuê máy bay hàng tháng,
Tuy nhiên, việc thuê máy bay hàng tháng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi chi phí thuê cao hơn so với các hình thức khác. Lý do là khoản phí này là cố định và nếu tỷ giá biến động bất lợi thì chi phí còn lớn hơn nữa.
Ngoài ra, do đi thuê nên máy bay sẽ phải chịu những giới hạn về mặt hoạt động, chẳng hạn như chỉ được bay và đậu tại những địa điểm nhất định.
Nhưng với việc chỉ phải bỏ ra 100 triệu USD để sở hữu hàng chục tàu bay chất lượng 5 sao, cùng với kinh nghiệm từ Vietjet Air, Bamboo Airways có đủ cơ sở để thực hiện thương vụ này.
Hồng Nhung