Đây là thông tin được đưa ra tại lễ tổng kết 1 năm hợp tác giữa Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok Việt Nam – Hành trình nâng tầm nông sản Việt diễn ra sáng 3/4, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, thương mại điện tử là một trong những trụ cột góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam hiện nay. Đối với ngành nông nghiệp, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm của chương trình.
Ngày 28/02/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược với nền tảng TikTok Việt Nam nhằm nâng cao năng lực Chuyển đổi số cho chương trình OCOP quốc gia. Hợp tác này đã mở ra nhiều cơ hội cho các chủ thể OCOP trên cả nước khi phát triển kênh tiêu thụ trên nền tảng thương mại điện tử.
Sau một năm triển khai, chương trình đã đi qua nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam như: Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Cần Giờ (TP. HCM), Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau… Bằng sự nỗ lực hợp tác giữa các đơn vị tổ chức và các nhà sáng tạo nội dung, các chiến dịch Chợ phiên OCOP đã góp phần mang lại những tác động tích cực đối với kinh tế địa phương và ngành nông nghiệp.
Trong giai đoạn thử nghiệm 2023, chương trình đã ươm mầm thành công hàng trăm doanh nghiệp, chủ thể OCOP đi từ những phiên livestream “0 đồng” đến phiên livestream “trăm triệu”.
Một số những “hạt giống” đạt kết quả bứt phá có thể kể đến như: Thịt Chua Trường Foods (sản phẩm thịt chua Phú Thọ), Chuyện nhà Rex Messi (sản phẩm Long nhãn ôm sen Hưng Yên), Tú Trinh Foods (sản phẩm bún tươi đông lạnh Đồng Tháp), Mật Ong Phương Di (mật ong Gia Lai), Hồi ức 1997 (sản phẩm Mỳ Chũ, Chè Lam đặc sản Bắc Giang)...
Mỗi sáng thứ 7 hàng tuần đều đặn có khoảng 30 phiên livestream bán sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok Shop. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, trên nền tảng TikTok đã có riêng một tab riêng mang tên “Tự hào hàng Việt" nằm trong Trang mua sắm (Shopping Center) nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ các nhà bán trong nước có thêm các ưu đãi về lưu lượng, chiết khấu và không gian để quảng cáo sản phẩm của mình.
Sau một năm triển khai, Chợ phiên OCOP đã thu về được nhiều hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ giá trị chương trình OCOP cho người dùng mạng xã hội, như: hashtag #OCOP đạt 1,4 tỷ lượt xem, hơn 800 phiên livestream Chợ phiên OCOP được tổ chức với doanh số của chương trình đạt hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng các phiên chợ OCOP tại các địa phương để có thể giới thiệu được các sản phẩm OCOP, những truyền thống văn hóa và những giá trị của các địa phương.
Từ đó, tạo môi trường thuận lợi, tạo vườn ươm cho các hạt giống OCOP, trong đó, không chỉ có các KOL, KOC, mà cả các chủ thể OCOP, những người có đủ năng lực và mong muốn mở kênh bán hàng sẽ được tập huấn bài bản trên các nền tảng để chính các chủ thể OCOP có thể tham gia trực tiếp bán sản phẩm của mình. Đồng thời, không chỉ dừng ở triển khai xúc tiến sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước mà còn được triển khai, xúc tiến tại các thị trường khác trong khu vực.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết, năm 2024, Chợ phiên OCOP tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của TikTok. Theo đó, đơn này sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và nông dân thúc đẩy kinh doanh trên nền tảng số, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn, tạo đà quảng bá các giá trị văn hoá địa phương lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nền tảng của TikTok.
Thy Lê