Công điện được gửi tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; cùng các thương nhân và hiệp hội ngành hàng sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa.
Công điện nêu rõ, thực hiện theo các chỉ đạo từ Chính phủ về khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ sau bão, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước tiếp tục triển khai hiệu quả Tổ công tác tiền phương, được thành lập theo Quyết định số 2421/QĐ-BCT ngày 11/9/2024. Nhiệm vụ của Tổ công tác là cung ứng và điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3, nhằm trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa.
Công điện cũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi mưa lũ với các tỉnh khác, đặc biệt ưu tiên việc điều tiết hàng hóa từ miền Trung và miền Nam. Mục tiêu là đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, chú trọng đến nhu cầu học tập của học sinh, chữa bệnh cho bệnh nhân, và hỗ trợ nhóm người yếu thế tại các khu vực chịu tác động nặng nề từ thiên tai.
Ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng bão, lũ. |
Các cơ quan, đơn vị, và địa phương cần tổng hợp khó khăn và vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh. Nếu gặp vấn đề vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Bộ Công Thương để đề xuất hướng xử lý phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên thị trường.
Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường giám sát và kiểm tra địa bàn, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát thị trường. Đặc biệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc vi phạm quy định pháp luật.
Cùng với đó, cần công khai thông tin về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai để thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho các vùng bị ảnh hưởng bởi bão. Ưu tiên cung cấp lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh và các mặt hàng thiết yếu.
Đối với các doanh nghiệp phân phối, cần đảm bảo không có tình trạng đầu cơ, tích trữ hay tăng giá bất hợp lý. Các doanh nghiệp phải tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng và sở công thương để cung cấp hàng hóa cứu trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp khu vực phía Nam đã tích cực tăng cường sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả nhằm tiếp ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão.
Thông tin từ một số doanh nghiệp phân phối lớn như: Saigon Co.op, Wincommerce, Central Retail.., cho hay, các siêu thị đã tăng nhập rau củ, hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh miền Nam, Lâm Đồng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, nguồn cung cho thị trường phía Bắc khá dồi dào. Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca; chi nhánh tại Hà Nội (quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành) đang hoạt động ổn định. Thêm nữa, Vissan luôn duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10-20 ngày liên tiếp, nên không sợ thiếu hụt nguồn hàng.
Cùng với việc duy trì ổn định hoạt động cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo sinh hoạt cơ bản cho người dân vùng lũ, nhiều doanh nghiệp còn chung tay góp sức ủng hộ với những chuyến xe cứu trợ đến các tỉnh thành miền Bắc đang bị ảnh hưởng của bão số 3.
Theo đó, hàng ngàn tấn rau củ quả, thực phẩm các loại của những hệ thống phân phối cấp tập từ phía Nam liên tục đi xuyên đêm đến với bà con miền Bắc, chưa kể các nhà máy giết mổ, cung ứng thực phẩm tại nhiều khu vực khác trên cả nước cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng tăng ca, đưa hàng ra thị trường…
Đáng chú ý, cùng với nguồn hàng bổ sung dồi dào, một số doanh nghiệp còn thực hiện tặng sản phẩm, bán hàng không lợi nhuận dành cho bà con, tổ chức cứu trợ người dân vùng lũ.
Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa công bố triển khai chương trình "Hàng hóa không lợi nhuận dành cho bà con, các tổ chức cứu trợ vùng lũ", vừa giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tại 800 điểm bán của Saigon Co.op trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tại thị trường phía Bắc, Saigon Co.op tiếp tục phối hợp với mạng lưới đối tác kinh doanh, cùng chia sẻ chi phí nhằm mang đến mức giá giảm tối đa cho nhóm mặt hàng thiết yếu trong mùa lũ gồm: rau củ quả, trái cây, nước tinh khiết, thực phẩm khô…
Saigon Co.op cũng kết nối với hợp tác xã, nhà vườn tại nơi tâm bão đi qua là hai tỉnh Hưng Yên và Hoà Bình hỗ trợ tiêu thụ 3,5 tấn chuối Viba với giá bán không lợi nhuận chỉ 24.900 đồng/kg, áp dụng tại hệ thống Co.op Food khu vực miền Bắc. Việc này góp phần san sẻ và đồng hành với người nông dân bị thiệt hại hàng trăm héc ta chuối do cơn bão số 3 gây ra.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình tại các địa phương và triển khai các phương án hỗ trợ cung ứng hàng hóa tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do bão. Người dân được khuyến khích bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan chức năng và không tích trữ quá mức nhu yếu phẩm để ưu tiên cho những khu vực chịu thiệt hại nặng nề.
Hồng Hương