Theo lý giải, mô hình đại siêu thị, trung tâm thương mại (quy mô trên 500 m2) được ưa chuộng tại các quốc gia có hạ tầng giao thông phát triển, nơi có “văn hóa xe hơi”.
Tại các quốc gia này, người dân chủ yếu di chuyển bằng ô tô trên cao tốc, tình trạng tắc đường không nhiều, dễ dàng tìm kiếm bãi đỗ xe và thực hiện mua sắm tất cả trong một địa điểm tích hợp đầy đủ hàng hóa, dịch vụ.
Vì vậy, chiến lược phát triển các siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại chỉ cần số lượng ít, đặt ở các địa điểm trung tâm bao quanh các cao tốc.
Mô hình siêu thị mini được dự đoán còn nhiều dư địa tăng trưởng. |
Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình bán lẻ diện tích lớn gặp khó trong việc tìm mặt bằng tại khu vực đô thị như Hà Nội, TP. HCM do quỹ đất hạn hẹp. Với các thị trường tỉnh lẻ, dù quỹ đất dồi dào hơn nhưng hành vi mua sắm của người dân vẫn nặng truyền thống.
Ngoài ra, vì chưa có hạ tầng giao thông và khả năng tài chính đủ tốt để việc sở hữu ô tô trở nên phổ biến nên vẫn tồn tại “văn hoá xe máy”, vốn thuận tiện cho việc len lỏi vào các tuyến đường nhỏ, khu dân cư.
Vì những đặc tính thị trường trên mà văn hóa tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn tập trung chủ yếu vào mô hình chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ như tạp hóa, siêu thị mini với diện tích dưới 500 m2.
Đáng chú ý, chuyên gia của VDSC nhận định, mô hình siêu thị mini đang chứng kiến sức tăng trưởng nổi bật nhờ sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng hướng tới việc ưa chuộng các kênh mua sắm hiện đại. Với các đặc điểm phù hợp với nhóm khách hàng Gen Y, Gen Z, dân văn phòng có thu nhập tốt, ưu tiên tiết kiệm thời gian và trải nghiệm mua sắm cao, siêu thị mini có cơ sở lấy thị phần nhanh từ chợ truyền thống, tạp hóa trong các năm tới từ nền thấp hiện tại (7 - 8%).
Trong các chuỗi siêu thị mini hiện diện tại Việt Nam, VDSC đánh giá Bách hóa xanh và Winmart nổi bật lên trong việc gia tăng doanh thu hai năm gần đây, đặc biệt sau chiến dịch tái cấu trúc toàn diện của họ. Hai chuỗi này được dự đoán sẽ dẫn đầu tăng trưởng trong hình thức siêu thị mini tại Việt Nam thời gian tới.
Quý II/2024, lần đầu tiên sau hơn 5 năm tái cấu trúc, WinCommerce ghi nhận có lãi sau thuế. Doanh nghiệp cho rằng "quả ngọt" này một phần lớn đến từ việc kiên trì với mô hình siêu thị mini "một cửa hàng cho mọi nhu cầu" dựa trên số lượng xe máy cá nhân nhiều và thói quen sử đi chợ hàng ngày để mua sản phẩm của người dân.
Trong thời gian tới, WinCommerce lên kế hoạch tăng tốc độ mở cửa hàng để đạt khoảng 100 cửa hàng mới mỗi quý, tăng cường vị thế ở khu vực nông thôn với mô hình WinMart+ Rural. Hiện hệ thống bán lẻ này vận hành 3.673 điểm bán.
Tương tự, chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế giới di động cũng ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện. Với 1.704 cửa hàng, chuỗi đem về 23.000 tỷ đồng doanh thu trong 7 tháng đầu năm, tăng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân tháng 7 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng.
Dù kết quả khởi sắc, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động cho biết, doanh nghiệp thận trọng với việc mở cửa hàng mới và chưa đặt ra số lượng cụ thể: "Việc mở ào ạt theo chỉ tiêu được giao là bài học chúng tôi đã học được từ quá khứ. Những chuyện như vậy sẽ không diễn ra nữa".
Theo số liệu từ Euromonitor, độ thâm nhập của bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn tương đối thấp và đang trong giai đoạn đầu khi tỷ trọng dừng lại ở 12% thị phần bán lẻ. Điều này tạo ra cơ hội phát triển đường dài cho các chuỗi, nhất là ở nông thôn - nơi có 70% dân số sinh sống.
VDSC dự đoán, chợ truyền thống sẽ sụt giảm từ mức thị phần 85% xuống còn 60 - 65% trong trung hạn. Tuy nhiên, mô hình này vẫn sẽ dẫn đầu thị trường do thói quen tiêu dùng lâu năm của đại bộ phận người dân vẫn còn nhiều điểm mạnh riêng về giá cả, đa dạng mặt hàng, thực phẩm tươi sống.
Các chuyên gia cũng lưu ý, nếu tỷ lệ sử dụng ô tô tăng lên mạnh mẽ, các mô hình siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ có dư địa phát triển cao hơn nhờ lợi thế giải quyết tốt các vấn đề về chỗ đỗ xe, tiết kiệm thời gian. Việc dừng xe hơi trước chợ truyền thống hay các cửa hàng nhỏ được cho là không còn phù hợp.
Đỗ Kiều