Cụ thể, tại họp báo thường kỳ quý II/2023 của Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 16/6, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến đề xuất về tăng trần vé máy bay của Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá vận chuyển hàng không được quy định là mặt hàng do Nhà nước định giá, thẩm quyền thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Mức trần giá vé máy bay đối với các đường bay từ 500 km trở lên được đề xuất tăng so với mức giá tối đa được quy định vào năm 2019. |
Vị này cho biết, việc định giá sẽ được thực hiện theo quy trình, trình tự đã được quy định. Bộ Giao thông Vận tải sẽ đánh giá rõ và tính toán mức tăng dựa trên các yếu tố cấu thành giá. Nên tăng ở mức nào sẽ tùy theo cơ sở đánh giá về chi phí, tình hình thị trường…, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có quy định cụ thể.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa áp dụng từ ngày 1/7/2019. Trong đó, Thông tư điều chỉnh tăng giá với các đường bay từ 500 km trở lên.
Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Đáng chú ý, với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.
Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên, cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.
Như vậy, mức tăng trên sẽ tác động đến các đường bay như Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Cà Mau..., mức trần với nhóm đường bay dưới 500 km như TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt, Hà Nội - Vinh giữ nguyên.
Mức giá tối đa nói trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay trừ các khoản thu: thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ cho cảng hàng không gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Liên quan đến trần giá vé máy bay, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, tại thị trường hàng không nội địa, hiện có nhiều hãng tham gia nên ở một số tuyến/đường bay có sự cạnh tranh sòng phẳng. Tuy vậy, ở một số tuyến chỉ có một hãng khai thác, muốn kêu gọi nhiều hãng cũng không được do lượng khách ít, dẫn đến yếu tố độc quyền.
Chưa kể, với đặc thù hàng không theo mùa vụ, để điều tiết cho kịp nhu cầu tăng đột biến đó không dễ dàng như các loại hàng hóa, lĩnh vực dịch vụ khác.
"Do đó, chưa thể xóa bỏ yếu tố độc quyền đối với thị trường hàng không nội địa và vẫn cần Nhà nước can thiệp thông qua quy định giá trần, kết hợp giá sàn để bảo vệ người tiêu dùng, tránh xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Trên cơ sở cân nhắc yếu tố đặc biệt, lợi ích người tiêu dùng trong đặc thù của thị trường hàng không, để thay đổi khung giá và quy định giá", ông Lâm cho biết.
Đại biểu Lâm cũng cho rằng về nguyên tắc chung, giữ quy định giá trần trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) là công cụ để Nhà nước điều tiết giá đáp ứng các tiêu chí luật định là loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Thanh Hoa