Tại tọa đàm: Dự thảo Thông tư quy định về phát triển hạ tầng thương mại diễn ra chiều ngày 18/7, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, giải thích thêm về mục 6, điều 5, Chương III quy định về tiêu chí cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet quy định: “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m".
Quy định cửa hàng tiện lợi phục vụ chủ yếu cho khách hàng trong phạm vi dưới 500m đang gây nhiều tranh cãi. |
Cụ thể, bà Nga cho biết những thông số chủ yếu phục vụ trong bán kính 500m chỉ nhằm làm rõ hơn tính tiện lợi của các cửa hàng tiện lợi này. Đó là việc dễ dàng tiếp cận của người tiêu dùng đến với cửa hàng đó không được xa quá mà phải nằm bán kính 500m trở xuống. Người tiêu dùng chỉ cần đi bộ thôi cũng đã tới được cửa hàng và cửa hàng này nằm bên cạnh những tiêu chí về mở rộng thời gian để người tiêu dùng có thể tới tiếp cận được các hệ thống cửa hàng tiện lợi như: Được phép hoạt động 24/24 giờ mà những hệ thống như siêu thị, chợ truyền thống hay là các loại hình thương mại khác không được quyền lợi như thế này.
Thêm vào đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết cửa hàng tiện lợi sẽ được mở rộng ra không chỉ kinh doanh hàng hóa mà còn được kinh doanh một số dịch vụ rất thiết yếu như đóng tiền điện, đóng tiền điện thoại hay đóng tiền bảo hiểm… và được kinh doanh cả những mặt hàng dược phẩm mà không kê đơn ở trong các hệ thống trên.
"Chúng tôi tạo ra những tiêu chí để chuỗi cửa hàng tiện lợi là một trong những loại hạ tầng thương mại mà Bộ Công Thương nhận thức phù hợp với điều kiện Việt Nam và là một trong những định hướng của Bộ trong thời gian tới", bà Nga nhấn mạnh.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, sau hai năm đại dịch COVID-19, bộ đã nhận thấy việc tập trung đông người cũng có những rủi ro nhất định trong việc đi mua sắm, dễ lây nhiễm dịch bệnh.Tuy nhiên, về việc mua sắm hàng hóa hàng ngày thiết yếu vẫn cần các chuỗi cửa hàng tiện lợi để phạm vi tiếp cận gần người dân đỡ tốn thời gian đi mua sắm. Thêm vào đó, tập quán tiêu dùng ở người Việt Nam là tìm kiếm các loại hình hạ tầng thương mại ở gần nhà, đặc biệt là với nhóm cửa hàng hiện nay thì vẫn đang được yêu thích.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng dẫn ra kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan hiện đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh được nâng cấp từ cửa hàng bách hóa, cửa hàng tạp hóa lên thành chuỗi cửa hàng tiện lợi. Điều này giúp chuẩn hóa các hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, nâng cao được dịch vụ cung cấp cho người dân và giá cả cạnh tranh.
"Đó là mục tiêu của chúng tôi khi nói về khoảng cách 500m. Cũng xin nói thêm là rất nhiều quốc gia họ cũng có quy định riêng đối với cửa hàng tiện lợi. Ví dụ như Trung Quốc - họ cũng nói rất rõ cửa hàng tiện lợi là nơi người tiêu dùng có thể đi bộ 5 phút là có thể tiếp cận", bà Nga cho hay.
Trước những lo ngại về việc những quy định này sẽ phát sinh thủ tục hành chính hay không? Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết việc xây dựng thông tư hiện nay đang nằm dưới Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thông tư không bao giờ được phép phát sinh thủ tục hành chính hay là điều kiện kinh doanh.
"Vấn đề còn lại là tiếp tục hoàn thiện các văn bản này, làm sao để minh bạch, rõ ràng, không có sự hiểu nhầm câu chữ thành điều kiện kinh doanh thì tổ soạn thảo đang hết sức lắng nghe và tổng hợp lại, báo cáo lên lãnh đạo Bộ", bà Nga cho biết.
Trước đó "quy định đối tượng phục vụ chủ yếu của cửa hàng tiện lợi là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại Dự thảo Thông tư quy định về phát triển hạ tầng thương mại đã gây tranh cãi trong dư luận. Góp ý về Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Công Thương bỏ đề xuất cửa hàng tiện lợi chủ yếu bán cho khách trong phạm vi 500m vì không khả thi. Nếu quy định như vậy, chủ cửa hàng không thể biết khách hàng đang sinh sống tại đâu. Chưa kể, nếu cửa hàng nào phục vụ khách mua ngoài 500m có thể vi phạm pháp luật và bị xử phạt.
Thy Lê