Chiều ngày 14/7, tại tọa đàm chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), cho biết, hiện nay, cả nước có 28,5 triệu công tơ, có 15,4 triệu công tơ điện tử (thu thập số liệu từ xa), 13,5 triệu công tơ đo xa (trong đó 0,65 triệu công tơ được ghi chỉ số bằng chụp ảnh).
Tác nghiệp không đúng quy trình
675 khách hàng được giảm tiền điện do nhân viên điện lực ghi sai chỉ số điện tăng (Ảnh: TL) |
"Khi công nhân đi ghi chỉ số công tơ ở ngoài, nếu chỉ số công tơ vượt trên 30%, EVN sẽ lập tức cảnh báo điện năng tiêu thụ điện tăng cao tới các khách hàng. Nếu nghi ngờ, khách hàng có thể yêu cầu phúc tra", ông Dũng chia sẻ.
Đáng chú ý, về tình hình xử lý hóa đơn sai, ông Dũng cho biết tháng 6 vừa qua, số khách hàng được thực hiện hiệu chỉnh hóa đơn do liên quan đến chỉ số công tơ gồm sai số chỉ số định kỳ, nhân viên nhập chỉ số sai, khách hàng báo số sai là 6.271 khách hàng.
Trong đó số khách hàng chưa thu tiền điện, 519 khách hàng huỷ bỏ hoàn toàn hóa đơn, 3.828 khách hàng huỷ bỏ và lập lại hóa đơn thay thế.Về số khách hàng đã thu tiền, truy thu do sai gây giảm cho khách hàng là 1.249 khách hàng...
Các nguyên nhân liên quan đến ghi chỉ số công tơ gồm: sai chỉ số định kỳ, chỉ số treo/tháo, khách hàng báo số sai, tạm tính hoặc do nhân viên nhập sai chỉ số.Trong số các Tổng Công ty điện lực thì Tổng công ty Điện lực miền Bắc có số khách hàng phải điều chỉnh lớn nhất với 4.345 khách hàng.
Với 156 khách hàng được các báo thông tin, hoặc mạng xã hội đưa lên, thì có 6 trường hợp tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Tiền Giang, Ninh Bình… đã được xử lý.
Qua tất cả tình huống trên, lãnh đạo EVN cho hay trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện đã bổ sung thêm 2 bước kiểm soát thông qua việc đặt ngưỡng cảnh báo. Khi vượt ngưỡng, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra và ký điện tử thì mới được làm tiếp. Cụ thể, danh sách khách hàng bất thường sẽ được gửi đến email của Lãnh đạo đơn vị.
Về nguyên tắc tạm tính, EVN yêu cầu nhân viên ghi số điện chỉ được tạm tính 2 tháng nếu khách hàng vắng nhà.Trên 2 tháng phải trực tiếp đến nhà khách hàng để kiểm tra, hoặc chuyển công tơ đến vị trí thuận tiện cho việc đọc số công tơ.
Tiêu thụ điện tăng đột biến
Trong khi đó, EVN cũng đưa ra những cảnh báo về sản lượng điện tiêu thụ trong những tháng vừa qua tăng đột biến. Bà Tô Lan Phương, Trưởng Ban Kinh doanh (EVN HANOI) cho biết, tháng 5 vừa qua, Hà Nội có một đợt nắng nóng kỷ lục trong 2 ngày (vào ngày 20 và ngày 21/5) đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,2 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4.
"Tính đến ngày 25/6, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng, ngày 9/6 đã đạt tới mức 89,2 triệu kWh. Đây là lượng điện cao nhất từ trước đến nay."Bà Phương nói.
Tháng 6/2020, thời tiết nắng nóng kéo dài, sản lượng điện trung bình đạt 78 triệu kWh/ngày. Sang tháng 7, sản lượng điện trung bình 12 ngày đầu là trên 76 triệu kWh/ngày.
Tháng 4, 5, số lượng khách hàng tiêu thụ điện từ 200-300 kWh chỉ chiếm 30%, sang tháng 6 số khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 200-300kWh là cao nhất. Tháng 7, hầu hết khách hàng đều sử dụng điện tăng so với tháng 4, tháng 5/2020. Đặc biệt, số lượng khách hàng dùng trên 1.000 kWh tăng từ 1,06% của tháng 5 lên 4,71% của tháng 6 và tháng 7 tăng lên 6,58%.
Trong tháng 7/2020, số lượng khách hàng có sản lượng điện sinh hoạt tiêu thụ tăng từ 30% trở lên so với tháng 6/2020 chiếm tỷ lệ 25,04% tổng số khách hàng sinh hoạt đã phát sinh hóa đơn tháng 7.
Đồng thời, bà Phương cho biết, hình thức ghi chỉ số điện là ghi tự động, ngoài ra trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn còn một số hình thức đo trực tiếp nhưng đảm bảo đúng quy trình phía EVN yêu cầu. "Chúng tôi cam kết công khai minh bạch thông tin cho các khách hàng dùng điện", bà Phương nói.
Về giải quyết kiến nghị khách hàng, đại diện EVN cho biết, sau khi nhận được kiến nghị khách hàng, đơn vị phải kiểm tra, giải quyết trong vòng 24 giờ. Tất cả yêu cầu kiến nghị của khách hàng đều được kiểm soát, trường hợp nếu có sai sót đều được xử lý công khai, minh bạch và xin lỗi khách hàng.
Lê Thúy