Trong 5 tháng đầu năm 2017, chưa có con số chính thức từ ngân hàng Nhà nước (NHNN) về dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản song theo ước tính, con số này hiện chiếm 8 – 10% tổng dư nợ, trong đó phần lớn là vốn cho cá nhân vay mua nhà.
Tăng nhu cầu vay mua nhà ở
Vay mua nhà là nhu cầu có thực, đang gia tăng ở các thành phố lớn, do tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao và tầng lớp trung lưu tăng mạnh. Đồng thời, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), chỉ tính riêng tại Tp.HCM, mỗi năm có hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn cần nhà ở, nhất là phân khúc nhà ở trung bình và giá rẻ.
Nắm bắt cơ hội này, các ngân hàng như OCB, ACB, PVcombank… lên định hướng khai thác trong năm 2017.
Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay mua nhà của Sacombank chiếm khoảng 15% trên tổng dư nợ khách hàng cá nhân. Ngân hàng OCB ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn 30% so với năm 2015, còn ngân hàng ACB đạt khoảng 30% tổng dư nợ của khối khách hàng cá nhân, chiếm khoảng 55% trong tổng dư nợ của ACB. Dư nợ cho vay mua nhà tại HDBank hiện chiếm 10 – 15% tổng dư nợ khối cá nhân…
Hầu hết ngân hàng thương mại đều kỳ vọng tiếp tục cải thiện tích cực dư nợ tín dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà trong năm 2017.
Đơn cử, Sacombank vừa triển khai hai gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà với lãi suất thấp nhất là 8,5%/năm. Trong khi đó, tại ACB, các hồ sơ vay mua nhà được hưởng lãi suất ưu đãi 7,5%/năm.
Một số ngân hàng còn hướng đến nhu cầu khách hàng vay mua nhà thổ cư, mua nhà đất, như PVcombank đã gây bất ngờ khi tung ra gói tín dụng đến 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay, trong đó có cho vay mua nhà thổ cư, nhà dự án. ABBank dành một khoản vốn tới 5.000 tỷ đồng cho vay mua nhà, đất, sửa chữa, nâng cấp nhà…
Đáng chú ý, ngoài cạnh tranh về thủ tục vay nhanh chóng, hạn mức cho vay, các ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất ưu đãi. Mạnh dạn hơn, một ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất 0% trong năm đầu hoặc khi dự án đi vào hoạt động.
Chẳng hạn, đối với dự án vay mua nhà hoặc căn hộ thuộc dự án ngân hàng OCB liên kết với chủ đầu tư đưa ra chương trình lãi suất 0%/năm.
Kiểm soát dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản luôn được NHNN nhắc nhở các tổ chức tín dụng, đồng thời có chính sách siết cho vay. Ví dụ, tại chỉ thị 01/2017, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay bảo đảm bằng bất động sản, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn… Đồng thời, hướng tín dụng bất động sản vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
![]() |
Năm 2016, tín dụng tăng trưởng thực chất hơn, trong đó tín dụng bất động sản tăng 12% (năm 2015 tăng 28%), nhưng chủ yếu là cho khách hàng lẻ có nhu cầu mua nhà ở vay.
Thận trọng khi rót vốn
Những cảnh báo trên khiến các ngân hàng thận trọng hơn trong việc giải ngân các khoản vay bất động sản, có thể thấy dư nợ ở khu vực này giảm đi trong bảng cân đối kế toán tại cơ quan quản lý.
Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2016, tín dụng tăng trưởng thực chất hơn, trong đó tín dụng bất động sản tăng 12% (năm 2015 tăng 28%), nhưng chủ yếu là cho khách hàng lẻ có nhu cầu mua nhà ở vay.
Dưới góc độ doanh nghiệp cấp tín dụng cho các nhu cầu mua nhà cá nhân, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết, cho vay khách hàng cá nhân mua nhà rủi ro thấp, do ngân hàng kiểm soát được đầu ra của dự án cùng giá cả hợp lý và đối tượng khách hàng vay được xét duyệt chặt chẽ theo đúng quy trình.
Với mỗi hồ sơ vay vốn của khách hàng, ngân hàng cử cán bộ thẩm định rất chặt chẽ. “Ngoài khả năng trả nợ của khách hàng, ngân hàng còn xem xét tính khả thi của dự án về đầu ra, đầy đủ tính pháp lý và uy tín của chủ đầu tư trên thị trường”, lãnh đạo một ngân hàng cho hay.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số ngân hàng đang tài trợ vốn cho cả bên cung và bên cầu về bất động sản. Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng điều này sẽ khiến các ngân hàng chịu rủi ro lớn nếu chủ đầu tư “bắt cá hai tay”, tức là vừa vay vốn ngân hàng vừa huy động vốn từ khách hàng.
Hơn nữa, việc ngân hàng cho cả hai bên vay, khi dự án có vấn đề về mặt pháp lý, chủ đầu tư bị kiện cáo, thanh khoản chậm, chắc chắn đây sẽ là khoản nợ xấu.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi nợ xấu còn chưa được giải quyết triệt để, việc rót vốn vào các dự án bất động sản phải được các ngân hàng cân nhắc và kiểm soát tốt, đặc biệt chỉ nên cho vay mua nhà đối với các khách hàng cá nhân đáp ứng đủ điều kiện cho vay của ngân hàng.
Huyền Anh