Các chuyên gia cho rằng, diễn biến giá vàng hiện nay khó đoán định do phụ thuộc vào bất ổn xung đột Nga - Ukraine. Vì vậy, giá vàng có thể đi lên nhưng cũng có thể lao dốc ngay ngày mai khi hai bên đạt được thoả thuận.
Giá vàng tăng "sốc"
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (8/3), giá vàng miếng SJC giữ mức kỷ lục mới 74 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới một lần nữa chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 55,41 triệu đồng/lượng.
![]() |
Giá vàng SJC vượt mốc 73 triệu đồng/lượng, nhiều người mua vàng ở thời điểm giá thấp đã bán chốt lời. |
Tuy nhiên, mức kỷ lục này không thể trụ lâu, chốt phiên giao dịch sáng, giá vàng trên thị trường thế giới giảm 0,51% về mức 1.988 USD/ounce (lúc 11h30 ngày 8/3, theo giờ Việt Nam), kéo giá bán vàng miếng SJC rớt về ngưỡng 71,7 - 73,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tuy đã hạ nhiệt, song chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn ở mức 1,6 triệu đồng/lượng. Thậm chí, mức chênh lệch này tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI lên đến 2 triệu đồng/lượng khi giá vàng được giao dịch ở mức 71 - 73 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, so với giá vàng thế giới quy đổi đang được giao dịch ở mức 55,1 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 18,2 triệu đồng/lượng, là mức chênh chưa từng có.
Theo dõi diễn biến giá vàng trong nước từ cuối tuần qua đến nay có thể thấy, giá vàng tăng dồn dập. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì đâu giá vàng tăng "sốc" như vậy; Và liệu 74 triệu đồng/lượng đã là đỉnh?
Theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội, giá vàng trên thế giới tăng mạnh do căng thẳng Nga – Ukraine. Trong khi đó, thị trường trong nước bên cạnh việc phụ thuộc vào giá vàng thế giới thì yếu tố quan trọng là giá vàng đang có sự “dẫn dắt” của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Vị giám đốc này phân tích: các đầu mối lớn hiện đang doãng rất rộng chênh lệch giá mua vào - bán ra đến 2 triệu đồng/lượng, gấp 6 - 7 lần mức chênh lệch ở thời điểm bình thường, một biện pháp ngừa rủi ro giá xuống thường thấy khi giá cả biến động mạnh.
Theo ghi nhận của VnBusiness, tại một số tiệm vàng ở Hà Nội trong 3 ngày gần đây giao dịch có sôi động hơn, nhưng phần nhiều là đi bán. “Ngày Thần tài vừa qua, tôi mua 5 lượng vàng giá 62,7 triêụ đồng/lượng, cùng một số vàng lẻ hai vợ chồng để từ thời kết hôn. Hiện tại giá tăng nên tôi mang bán, bởi nếu để vài hôm nữa giá giảm thì lại tiếc. Tôi không giỏi theo dõi thị trường, thấy mức giá cao như vậy nên cũng không muốn giữ lâu. Nếu giá vàng thời gian tới giảm mạnh, tôi sẽ lại mua vào", chị Nguyễn Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay.
Cẩn trọng “đu đỉnh” mua vàng
Tuy vàng đang ở ngưỡng giá kỷ lục, nhiều người vẫn quyết định đầu cơ thời điểm này vì cho rằng, giá kim loại quý có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trước những căng thẳng địa chính trị thế giới.
Công ty SJC cho hay trong những ngày gần đây, khách hàng đến giao dịch đông, ngoài những người đi bán còn có những người đi mua vì nghĩ giá sẽ tăng tiếp. Theo đại diện Bảo Tín Minh Châu, trong sáng 8/3, lượng khách hàng mua vào - bán ra có tỷ lệ 55% và 45%.
Chị Lê Thuý (Hà Nội) chia sẻ: “Mua vàng thời điểm này dù giá cao và khá rủi ro nhưng tôi tin giá sẽ còn tăng hơn nữa. Tôi cho rằng lạm phát, căng thẳng địa chính trị không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định mua 5 lượng vàng để “lướt sóng” kiếm lời”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu “đu đỉnh” mua vàng ở thời điểm hiện nay sẽ chịu rủi ro cao, thậm chí chịu rủi ro kép đó là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, lên đến 18 triệu đồng/lượng và khoảng cách giữa giá mua - bán lên đến 2 triệu đồng/lượng.
Anh Nguyễn Trọng Hưng, một nhà đầu tư vàng cho hay, vùng giá người dân nắm giữ vàng nhiều nhất là 54 - 55 triệu đồng/lượng. Trong trường hợp tình hình Nga - Ukraine xoay chiều, người mua vàng vùng giá thấp đổ ra bán chốt lời, giá vàng miếng SJC sẽ nhanh chóng xì hơi, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới thu hẹp và người mua vùng giá cao sẽ chịu thua lỗ.
Thanh Hoa