Theo các chuyên gia kinh tế, USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn (khoảng 60-70%) các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên diễn biến giá USD tăng mạnh thời gian gần đây đã gây ra nhiều biến động cho thị trường.
Sức ép của tỷ giá USD rất lớn
Vừa qua, các ngân hàng đã tăng giá USD lên mức cao nhất lịch sử, trên 24.000 đồng/USD, tăng gần 5% so với đầu năm.
Trong phiên giao dịch ngày 3/10, giá USD bán ra tại Vietinbank là 24.016 VND/USD, Vietcombank: 24.000 VND/USD, Eximbank: 24.015 VND/USD…
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, đồng USD tăng giá khiến VND mất giá. “Áp lực này vẫn còn tiếp tục đến giữa năm 2023 hoặc thậm chí còn lâu hơn. Khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ đẩy lạm phát tại Việt Nam đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo. Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND”, ông Nghĩa nói.
Giá USD lên mức cao nhất lịch sử, trên 24.000 đồng/USD, tăng gần 5% so với đầu năm. |
Đề cập đến vấn đề này, một chuyên gia nhận định, giá USD tăng cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ vui, nhưng ngược lại công ty nào nhập khẩu sẽ có nguy cơ bị lỗ. Nói chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá hối đoái biến động quá mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các công ty nhỏ không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỷ giá.
Một trong những ngành đang gặp nhiều thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra trước sức ép của tỷ giá đồng USD là dệt may. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho hay, doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, khi giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải và phải gánh thêm khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.
"Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD biến động, chi phí nhập khẩu tăng cao, đầu ra không tăng, đơn hàng sụt giảm khiến một số doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ", ông Hồng nói.
Nhập khẩu hàng tiêu dùng trực tiếp, Công ty Xuất nhập khẩu Linh Anh (Hà Nội) tính toán, từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng gần 5%, doanh nghiệp đến lúc này khó giữ được giá bán ra.
"Giá đầu vào tăng sẽ khiến nhu cầu giảm sút. Hiện, nhu cầu đã giảm sút so với năm 2021 khoảng 10 - 15%", Tổng Giám đốc Hoàng Tuấn Linh cho biết.
Không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu đang chịu tác động bất lợi từ tỷ giá tăng, các doanh nghiệp cơ cấu nợ bằng USD lớn cũng đang “chịu đòn" tỷ giá.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect điểm tên một loạt doanh nghiệp đang phải đối mặt với khoản lỗ tỷ giá lớn như: Vingroup có tổng dư nợ bằng USD lớn nhất với giá trị 65.559 tỷ đồng, dư nợ bằng USD/tổng dư nợ 39,4%. Thứ hai là Phát điện 3 với giá trị 36.868 tỷ đồng, dư nợ bằng USD/tổng dư nợ 86,6%; Vietnam Airlines là 21.815 tỷ đồng với dư nợ bằng USD/tổng dư nợ 66,3%…
Cần đa dạng hóa đồng tiền thanh toán
Bình luận về “đường đi” của tỷ giá trong 3 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, những áp lực đối với VND từ nay cho tới cuối năm vẫn còn hiện hữu do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất.
Ông Nghĩa dự báo: “Có khả năng VND cả năm 2022 sẽ giảm khoảng 5 - 5,2% và đây vẫn là mức thấp nếu so với đồng tiền của nhiều nước”.
Còn theo tính toán của TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tỷ giá sẽ biến động không quá 1% nữa và biên độ biến động tỷ giá cả năm sẽ không quá 5%, nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện tại, còn nếu tình hình thế giới có biến động (ví dụ như xung đột leo thang), Fed tăng mạnh lãi suất cao hơn mức dự báo..., thì NHNN có thể phải điều chỉnh tỷ giá mạnh tay hơn.
Trước những tác động của tỷ giá, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh Covid-19 hay căng thẳng Nga - Ukraine. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính cho rằng: "Để vừa giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam thông qua giữ ổn định tỷ giá hối đoái và phá giá ở mức nhẹ, chúng ta phải đồng thời kết hợp với biện pháp điều hành chính sách lãi suất theo hướng tăng nhẹ và tìm ra điểm cân bằng để giải quyết được bài toán vừa ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giữ ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái; đồng thời không ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thanh toán".
Huyền Anh