Tỷ giá USD/VND trong năm nay được dự báo chỉ biến động khoảng 2% |
Trong phiên giao dịch sáng nay (20/3), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.252 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên ngày hôm qua. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của tỷ giá trung tâm.
Theo đó, tỷ giá trần của các ngân hàng áp dụng ngày hôm nay là 23.948 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.556 đồng/USD. Giá bán trên thị trường tự do sáng nay cũng tăng hơn 200 đồng, lên mốc 23.700 đồng.
Giá bán USD biến động liên tục
Đến 11h, giá USD bán ra tại Vietcombank là 23.570 đồng/USD, tăng 75 đồng/USD so với hôm qua. Tại SCB và Eximbank, giá bán ra niêm yết ở mức 23.550 đồng/USD, tăng 50 - 60 đồng/USD so với cuối phiên ngày hôm qua…
Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch sáng nay, các ngân hàng liên tục điều chỉnh tỷ giá khi USD và các ngoại tệ mạnh khác liên tục biến động mạnh. Thậm chí, có ngân hàng điều chỉnh bảng giá ngoại tệ khoảng 10 lần trong buổi sáng.
Như vậy, so với đầu năm, giá USD bán ra tại các ngân hàng đã tăng 1,4-1,5%, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 0,35%.
Trên thị trường tự do, nhiều đầu mối quy đổi ngoại tệ đã chấp nhận mua vào với giá 23.600 đồng, tăng 140 đồng và tương đương giá bán hôm qua. Tuy nhiên, giá bán ra sáng nay cũng được đẩy lên mức 23.700 đồng/USD, cao nhất kể từ đầu năm.
Một đầu mối quy đổi trên phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khẳng định giá bán tăng theo thị trường khi mà tỷ giá quy đổi giữa đồng USD với các loại tiền tệ khác như bảng Anh, Euro, Yên Nhật… đều tăng trong vài ngày qua.
Theo các chuyên gia, sự tăng giá của USD tại Việt Nam cũng theo xu hướng đi lên của đồng USD trên thế giới. Cụ thể, chỉ số USD Index - đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng gần 2% trong phiên ngày 20/3. Tính riêng tuần này, chỉ số USD Index đã tăng một mạch từ 97,7 lên 103,56, tương đương 5,86%/tuần, cao nhất kể từ tháng 1/2017.
Nhiều dư địa ổn định tỷ giá
Các chuyên gia phân tích: theo phản ứng thị trường khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất sẽ làm USD mất giá. Thực tế ngay khi cơ quan này đưa ra hiệu lệnh, giá USD trên thị trường đã giảm nhẹ, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng điều chỉnh giảm giá bán USD. Tuy nhiên, sau đó, chỉ số USD Index tăng trở lại do lãi suất mà FED áp dụng vẫn cao so với ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới, khiến USD vẫn mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác.
Mặc dù tỷ giá tăng nhanh theo giá thế giới, song Ts. Bùi Quang Tín, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đánh giá, NHNN điều hành tỷ giá dựa vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ dựa vào biến động của USD, nên xét tổng hòa các yếu tố, NHNN vẫn còn có nhiều dư địa để điều hành và ổn định tỷ giá.
Hiện tại, NHNN có nguồn lực dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, cán cân thương mại 2 tháng đầu năm về cơ bản vẫn cân bằng. Các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến thời điểm này vẫn khá ổn định. Chính vì vậy, việc ổn định tỷ giá thời gian tới sẽ không quá khó khăn với NHNN. Với quan điểm không dùng tỷ giá để tạo lợi thế với các đối tác thương mại, việc điều chỉnh tỷ giá lại càng được NHNN thận trọng.
Đồng tình, Ts. Võ Trí Thành cho rằng, với nguồn lực hiện tại, NHNN có thể bơm - hút tiền đồng, mua vào - bán ra ngoại tệ một cách nhịp nhàng để đảm bảo tỷ giá không tăng quá mức. Ngoài ra, lãi suất huy động USD được áp dụng 0%/năm lâu nay cũng sẽ giúp NHNN thuận lợi hơn trong giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định vĩ mô.
Đại diện NHNN cũng khẳng định có đủ công cụ và năng lực để ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: “Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, NHNN hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt”.
Huyền Anh