6 tháng đầu năm tỷ giá VND/USD không thay đổ, trong khi đồng tiền các nước trong khu vực ASEAN mất giá khoảng 1 - 5% |
Hầu hết các chuyên gia kinh tế và công ty chứng khoán có chung nhận định VND mất giá ít nhất so với các đồng tiền khu vực trong 6 tháng. Cụ thể, tỷ giá trung tâm tăng 0,32%, tỷ giá mua/bán của Ngân hàng thương mại tăng 0,3% và tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng tăng 0,16%.
VND chỉ mất giá 0,13%
Tính đến hết tháng 6/2020 so với đồng USD, VND chỉ mất giá 0,13%, trong khi các đồng tiền khác trong khu vực chịu ảnh hưởng mất giá tương đối mạnh như IDR của Indonesia (mất giá 2,55%); THB của Thái Lan (mất giá 3,87%); MYR của Malaysia (mất giá 4,40%); KRW của Hàn Quốc (mất giá 2,44%); SGD của Singapoer (mất giá 3,26%)… sau nửa đầu năm 2020.
Theo nhận định của các chuyên gia diễn biến tỷ giá của Việt Nam ổn định nhất so với các quốc gia trong khu vực.Theo đó, tỷ giá USD dao động trong một biên độ hẹp trong 6 tháng đầu năm 2020 khi áp lực từ yếu tố cung cầu USD tương đối thấp với bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đã nới lỏng tiền tệ rất mạnh tay khiến áp lực bên ngoài lên VND là không lớn.
Cụ thể, diễn biến tỷ giá USD trong nước từ đầu năm 2020 cho đến giữa tháng 3 khá ổn định với mức dao động chỉ ở mức 0,2 – 0,3%.
Đến giai đoạn từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4/2020, tỷ giá USD tăng khá mạnh khoảng 1,86% do nhu cầu USD tăng mạnh trước biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, với các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ giữa tháng 4, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt. Đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2020, tỷ giá đã ổn định trở lại và trở về gần với mức đầu năm.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công và Quản lý Trường ĐH Fulbright cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng tiền của các nước trong khu vực ASEAN biến động mạnh so với đồng USD. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD không thay đổi mặc dù NHNN chưa phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, bởi NHNN áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỷ giá trung tâm.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán MBS đánh giá, chính sách tỷ giá của NHNN là phù hợp với cân đối vĩ mô và cung cầu thị trường.
"Chính các động thái bơm tiền mạnh mẽ của Fed và hạ lãi suất về mức 0% đã giảm áp lực lên VND cũng như các đồng tiền khác của các quốc gia mới nổi", các chuyên gia của MBS nhận định.
Dự trữ ngoại hối cao góp phần ổn định tỷ giá
Theo MBS, dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho NHNN giữ ổn định tỉ giá.
Trong một phát biểu mới đây tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm tỷ giá diễn biến khá ổn định, duy trì trong biên độ 0,2 - 0,3% và dự trữ ngoại hối thời điểm cuối tháng 6 đạt khoảng 84 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.Việc duy trì ổn định tỷ giá đã đóng góp rất quan trọng vào việc ổn định lạm phát.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng sự ổn định của VND so với USD một phần do nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Cán cân xuất nhập khẩu hiện đang thặng dư khoảng 4 tỉ USD, nguồn thu ngoại tệ từ FDI và kiều hồi cũng không bị giảm quá nhiều trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể lượng vốn FDI được giải ngân đạt khoảng 8,65 tỉ USD (giảm 4,9% với cùng kì).
Mặc dù, đồng NDT có xu hướng mất giá nhanh trong những tuần gần đây có thể gây áp lực lên VND khi khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị đắt lên tương đối.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng duy trì tỷ giá ổn định với mức giảm giá vừa phải là một trong những ưu tiên trong điều hành chính sách của Việt Nam cộng thêm với nguồn cung ngoại tệ dồi dào và dự trữ ngoại hối ở mức lớn sẽ tiếp tục giúp VND ổn định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Thành từ nay đến cuối năm có thể lượng kiểu hối giảm do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phưc tạp, nhiều nước trên thế giới chưa thể hoạt động trở lại bình thường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm của lao động Việt Nam tại nước ngoài. “Do phải nghỉ việc dài ngày, thậm chí có nhiều lao động mất việc nên nguồn kiều hối sẽ giảm trong năm nay”, ông Thành nhấn mạnh.
Đánh giá về tỷ giá VND/USD, MBS nêu quan điểm, với xu hướng dao động đi ngang của USD trên thị trường tài chính thế giới cộng thêm áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ giảm trong các tháng cuối năm, sức ép giảm giá VND so với USD không quá mạnh.
Do đó, NHNN có thể sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá USD dưới 1% trong năm 2020, phù hợp với sự chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2020.
Thanh Hoa