Trong hai ngày 20 và 21/9, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành phiên họp chính sách tháng 9, gần như quyết định tăng lãi suất sẽ được đưa ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến. Khả năng Fed sẽ tăng lãi suất với một trong các mức độ 0,5%, 0,75% hoặc 1%.
Tỷ giá trung tâm “lầm lũi” đi lên
Theo giới phân tích, việc Fed tăng lãi suất dự báo sẽ khiến tỷ giá trong nước tiếp tục căng thẳng và có thể khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng giá USD bán ra. Ngày 20/9, tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng 6 đồng so với phiên liền trước, đang niêm yết ở mức 23.301 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần là 24.000 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.602 VND/USD.
Đây là phiên tăng thứ năm liên tiếp của tỷ giá trung tâm. Trong khi đó, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại dần thiết lập mức cao trên các thị trường.
Tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ tiếp tục tăng lên trước thềm cuộc họp nâng lãi suất của Fed. (Ảnh: Int) |
Cụ thể, VietinBank không điều chỉnh tỷ giá, vẫn đang niêm yết ở mức 23.535 – 23.815 VND/USD. Tương tự, tỷ giá tại Vietcombank và BIDV vẫn đang là 23.530 - 23.810 VND/USD. ACB đang mua bán USD ở mức 23.550 – 23.770 VND/USD trong khi tại Eximbank là 23.550 – 23.790 VND/USD.
Sacombank đang niêm yết USD ở mức 23.550 – 23.800 VND/USD, tăng 10 đồng chiều bán. Tỷ giá tại Techcombank đang là 23.535– 23.820 VND/USD, tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với sáng qua.
Liên quan tới động thái tăng lãi suất của Fed ngày 22/9 tới đây, trao đổi với VnBusiness, GS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, ngày 22/9 Fed sẽ công bố tăng lãi suất nhưng ở mức không quá cao, không vượt quá các mức của những lần trước, động thái này sẽ ảnh hưởng đến các đồng tiền khác, trong đó có tiền Đồng.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có ưu thế là thị trường xuất khẩu đa phương, dự trữ ngoại tệ khá tốt. Trong những đợt Fed tăng lãi suất trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành để giữ được tỷ giá linh hoạt, ổn định. “Áp lực tỷ giá Việt Nam là có nhưng với dự trữ ngoại tệ và cán cân thương mại hiện nay tỷ giá sẽ được điều hành ổn định”, ông Cường nhận định.
Đồng tình, các chuyên gia của SSI nhận định: Từ nay đến cuối năm, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối.
“Trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Fed có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn", chuyên gia SSI nhận định.
Giải pháp nào "ghìm cương" tỷ giá?
Giới phân tích nhận định, Fed có thể sẽ thêm 2 lần tăng lãi suất nữa vào cuối năm, khiến áp lực lên tỷ giá ngày càng tăng. Điều này đặt Chính phủ vào tình huống phải lựa chọn hy sinh lãi suất hoặc chịu đòn tỷ giá.
Chia sẻ với VnBusiness, một chuyên gia cho rằng, về mặt nguyên lý muốn kiểm soát lạm phát phải tăng lãi suất, nhưng Việt Nam đang trong giai đoạn nền kinh tế cần kích cầu tăng nguồn lực phục hồi sau đại dịch, trong đó có gói hỗ trợ giảm lãi suất. Vì vậỵ, nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược chủ trương hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế.
Chuyên gia này cho rằng, điều hành của Chính phủ để giữ lạm phát ở mức mục tiêu sẽ phải đi vào nhiều giải pháp tổng hợp chứ không thể trông vào việc tăng lãi suất, bởi áp lực lạm phát tại Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào cung tiền. Vì vậy, cần quản lý dòng tiền để không chảy vào khu vực đầu cơ. “Tôi cho rằng biện pháp tốt nhất hiện nay là kiểm soát về giá cả sẽ giúp cho nền kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi, với giá vốn hợp lý mà lạm phát vẫn được kiểm soát”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup lại cho rằng, Việt Nam chưa có công cụ gì thực sự mạnh để kìm đà tăng tỷ giá ngoài công cụ lãi suất. Khi tỷ giá căng thẳng sẽ gây áp lực lạm phát. Để kìm lạm phát, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải nâng nền lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để không chênh lệch nhiều so với Mỹ, giảm hiện tượng đầu cơ và giảm áp lực lên lãi suất. Cùng với đó là biện pháp rút bớt tiền về.
“Đầu tư công được coi là cú kích hoạt trong nền kinh tế, đẩy lượng tiền trong Kho bạc ra hệ thống ngân hàng. Đó là công cụ bơm tiền tốt nhất và mạnh mẽ nhất nhưng lại đang rất chậm. Vì vậy, lãi suất sẽ tiếp tục tăng”, ông Báu nhận định.
Từ đầu năm đến nay, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra 21 tỷ USD để tăng thanh khoản cho thị trường, giúp tỷ giá ổn định. Mặc dù mức dự trữ ngoại hối quốc gia hiện nay vẫn được đánh giá là an toàn, song đã mỏng đi đáng kể so với trước đây.
Huyền Anh