Nhận định về tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất USD lần thứ tư trong năm 2018 lên 0,25 điểm phần trăm, tại Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) tổ chức ngày 20/12, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng áp lực tỷ giá của Việt Nam những ngày cuối năm không nhiều.
Ổn định đến cuối năm
Ngay sau động thái tăng lãi suất của FED, mở đầu phiên giao dịch sáng 20/12 tại Việt Nam, giá USD ít biến động. Tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.785 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày 19/12.
NHNN niêm yết giá bán ra USD ở mức 23.419 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm trước, song giá mua vào vẫn duy trì 22.700 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá giữa VND và Nhân dân tệ (CNY) ở mức 1 CNY đổi 3.304 VND, giảm 2 đồng so với phiên trước.
Tại nhiều ngân hàng thương mại, sáng 20/12, giá USD đi ngang so với cùng thời điểm ngày 19/12. Chẳng hạn, tại Vietcombank, giá USD là 23.270-23.360 VND/USD, không đổi; VietinBank niêm yết 23.270-23.360 đồng/USD, không đổi mua vào, tăng 25 đồng bán ra; BIDV niêm yết 23.275-23.365 đồng/USD, tăng 5 đồng mỗi chiều giao dịch.
Nhận định về động thái tăng lãi suất của FED đối với thị trường tiền tệ Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tỷ giá sẽ ít biến động do động thái này đã được dự báo từ trước, thị trường đã có sự chuẩn bị.
Theo Ts. Lê Trung Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), từ nay đến hết năm 2018, tỷ giá VND sẽ ít bị tác động nhờ những yếu tố như: xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế ấn tượng khoảng 6,7%, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 3,6%. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý nên thận trọng với các đồng tiền khác giao dịch với Việt Nam, nhất là quan hệ CNY – VND.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô, công ty Chứng khoán MBS, cho rằng động thái tăng lãi suất của FED không bất ngờ, bởi đã được cơ quan này thông báo cho thị trường từ trước, nên thị trường sẽ có những điều chỉnh hợp lý để đón nhận.
Theo ông Tuấn, tỷ giá trong nước vừa qua là một điểm sáng nhờ hai yếu tố: kinh tế vĩ mô ổn định và cung – cầu USD thuận lợi do thặng dư USD tốt trong ba năm qua nên dự trữ ngoại hối rất cao (gần 64 tỷ USD).
"Dù các quốc gia trong khu vực đều mất giá đồng nội tệ 5-9%, nhưng VND năm 2018 chỉ giảm 2,6%", ông Tuấn nói.
Các chuyên gia nhận định, trong năm 2019, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ dự kiến sẽ có hai đợt tăng lãi suất thay vì dự kiến tăng 3 lần như đưa ra hồi tháng 9, và một đợt vào năm 2020, với dự báo trung bình cho tỷ lệ lãi suất liên bang ở mức 3,1% vào cuối năm 2020 và 2021.
Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch NFSC, phân tích chính sách tiền tệ của FED dựa vào hai yếu tố chính là lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.
Năm 2018, các quốc gia trong khu vực đều mất giá đồng nội tệ 5-9% nhưng VND chỉ giảm 2,6% |
Tác động lãi suất VND
Những năm trước, FED đưa lãi suất xuống dưới 0%, làm chi phí vốn của kinh tế Mỹ thấp, kích hoạt dòng vốn đầu tư khiến kinh tế chỉ tăng 1,2- 1,3%, nhưng nay đã tăng lên 1,9%. Tuy nhiên, hiện nay, lạm phát của Mỹ đã tiệm cận 2%, thất nghiệp đã lên tới 3,7%, bắt buộc FED phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong khi đó, lãi suất trung hòa của Mỹ là 2,75%, nhưng hiện đã là 2,50%, dư địa chỉ còn 0,25%, nên FED phải điều chỉnh tăng lãi suất chậm lại.
"Trong năm 2019, giá USD giảm sẽ giúp giá xăng dầu giảm, điều này sẽ thuận lợi cho nền các kinh tế mở như Việt Nam hạn chế lạm phát", ông Phước khẳng định.
Ông Hoàng Công Tuấn nhận định động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiếp theo trong năm 2019 của FED là không đáng lo, bởi lãi suất của FED đang tiệm cận mức cân bằng. Cùng với đó, mức tăng lãi suất của FED cũng ít đi do kinh tế Mỹ trong năm 2019 dự báo sẽ giảm tốc, nên giá USD sẽ tăng nhẹ nhàng, không áp lực như năm 2018.
Ts. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbright Việt Nam, cho rằng FED sẽ lựa chọn thắt chặt tiền tệ đối với nền kinh tế Mỹ, nên ít nhiều sẽ có tác động đối với thị trường Việt Nam, đó là áp lực lên lãi suất tiền đồng. Vì vậy, để ổn định tỷ giá, lãi suất USD tăng thì lãi suất VND cũng phải có điều chỉnh tăng.
Có thể thấy, trong năm 2018, FED điều chỉnh lãi suất có lộ trình, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, nhưng cũng đã có tác động đến thị trường tài chính Việt Nam. Theo đó, thời gian qua, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các kỳ hạn dài, đã điều chỉnh tăng lên và các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn cũng ghi nhận lãi suất cho vay tăng lên.
Ts. Nguyễn Xuân Thành nhận định, dù có lạc quan thì kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng với khả năng tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc có thể chậm lại. Năm 2019, tăng trưởng có thể thấp hơn so với năm 2018 do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu.
"Nhìn vào 2019, trước mắt phải đợi động thái của NHNN trước áp lực này liệu có điều chỉnh chính sách lãi suất hay không, nếu có điều chỉnh thì cũng ở mức khiêm tốn", ông Thành phân tích.
Huyền Anh