Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành linh hoạt, nhờ đó góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Tín dụng tăng 5%
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết trước đây, những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế thấp, khoảng 3-3,5%. Tuy nhiên, hai năm qua, tín dụng tăng khá đều ngay từ đầu năm. Tính đến hết tháng 4/2018, tín dụng tăng trên 5%, mức tăng này hợp lý so với tình hình kinh tế hiện nay.
Cơ cấu tín dụng hợp lý, dòng chảy tín dụng chủ yếu đổ vào sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. “NHNN cũng đồng giám sát để đưa ra những cảnh báo các tổ chức tín dụng (TCTD) phải quan tâm đảm bảo chất lượng tín dụng, không rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT”, ông Hà nói.
Trong năm nay, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng 17%; đảm bảo thanh khoản của TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Đánh giá về mục tiêu trên, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng thời gian qua, NHNN đã xây dựng được ba điểm lớn nhất, then chốt trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ nhất, năm 2017, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD Việt Nam đã được Quốc hội thông qua. Đây là những văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực ngân hàng mà NHNN đã làm được.
Thứ hai, trong báo cáo mục tiêu kinh tế hàng năm của Chính phủ bao giờ cũng có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trước đây thường được xem như chỉ tiêu pháp lệnh cho NHNN, tuy nhiên, từ năm 2017, NHNN đã thay đổi nhận thức, coi đây là mục tiêu phấn đấu.
Thứ ba, sau thời hạn thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 1 (từ năm 2011 – 2015), NHNN đã xây dựng được Đề án giai đoạn 2 (từ năm 2016 – 2020) và trình Chính phủ phê duyệt.
“Đây là ba “bước đi” quan trọng để phát triển thị trường tiền tệ, tạo thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018”, ông Kiên khẳng định.
Để giữ vững sự ổn định của chính sách tiền tệ trong năm nay, các chuyên gia khuyến cáo NHNN không nên nới lỏng chính sách tiền tệ, mà tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt.
Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cho rằng những năm trước, việc coi trọng tăng trưởng kinh tế buộc phải thi hành những chính sách nới lỏng tiền tệ.
![]() |
Trong năm nay, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng 17%; đảm bảo thanh khoản của TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối |
Không nên nới lỏng
“Một trong những yếu tố góp phần duy trì thành công môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2017, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đó là việc không còn nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế như những năm trước, NHNN không phải buộc thi hành những chính sách nới lỏng. Thay vào đó là thận trọng, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhờ đó ổn định được mặt bằng lãi suất, tỷ giá, lạm phát được duy trì ở mức dưới 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Ngọc nhận xét.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc coi trọng chất lượng tiền tệ hơn số lượng đang mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế.
Quý I/2017, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,15% thì tăng trưởng GDP quý I/2018 ở mức 7,38%, được đánh giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngọc đánh giá mức tăng trưởng tốt trong năm 2017 vẫn đảm bảo được giá trị đồng tiền, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng cao, vượt con số 50 tỷ USD. Định hướng điều hành tỷ giá ổn định tiếp tục được duy trì trong năm nay là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, khi luồng vốn nước ngoài đổ vào, chúng ta sẽ gặp khó khăn như phải trung hòa tiền. Nếu không đủ linh hoạt và chặt chẽ, tiền đồng sẽ lên giá so với USD, thậm chí tăng lên so với các đồng tiền khác trong khu vực, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa.
Nhận định về những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2018, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng thừa nhận vẫn còn những rủi ro, thách thức đối với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đó là việc ổn định lạm phát trong điều kiện hàng hóa thế giới, giá dầu mỏ, tiêu dùng nội địa, chứng khoán có dấu hiệu tăng.
Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng nhờ hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) mạnh mẽ, cộng hưởng với việc thoái vốn nhà nước đang diễn ra thuận lợi… một mặt giúp Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác gây áp lực cho NHNN trong việc trung hòa hiệu quả lượng tiền mặt đưa ra lưu thông không kích hoạt rủi ro lạm phát.
Huyền Anh