Thông tin nêu trong báo cáo "Thu nhập của Tổng giám đốc và Hội đồng Quản trị (HĐQT) tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023" do FiinGroup vừa công bố. Phân tích được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát từ 200 công ty đại chúng đại diện 85,6% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn tại thời điểm cuối năm 2023.
Thu nhập trong báo cáo này được định nghĩa chỉ bao gồm thù lao, tiền lương, phụ cấp và thưởng phát sinh được chi trả từ quỹ lương trong một năm tài chính của công ty; các khoản khác không được tính bao gồm ESOP, cổ tức, cổ phiếu thưởng...
Năm qua, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) Nguyễn Thị Thu Hương nhận thu nhập cao nhất, với 17 tỷ đồng. Tập đoàn Masan (MSN) là doanh nghiệp đứng thứ hai về đãi ngộ thu nhập cho CEO với 14,7 tỷ đồng.
Tiếp theo là loạt "ông lớn" bất động sản như Vinhomes (VHM), Bất động sản Nam Long (NLG), Vingroup (VIC) và Vinceom Reatail (VRE)…
Theo FiinGroup, dù đang trải qua giai đoạn khó khăn, hiệu quả hoạt động giảm nhưng thu nhập cho vị trí CEO bất động sản vẫn cao nhất, đạt 4,9 tỷ đồng. Tiếp theo là dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) và bảo hiểm, lần lượt đạt 4,5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.
"Công nghệ thông tin, ngân hàng và bán lẻ là các ngành có hiệu quả hoạt động tốt hơn mặt bằng chung với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao (khoảng 15% trong năm 2023) nhưng thu nhập bình quân của CEO lại tương đối thấp. Lý do chính là thu nhập này chưa tính đến giá trị của số cổ phiếu thưởng theo ESOP mà ban lãnh đạo nhận được", theo đại diện Fiingroup.
Ngược lại, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng ở mức thấp, bán lẻ, tài nguyên cơ bản (thép, gỗ) có kết quả "thất vọng" nên thu nhập bình quân của CEO giảm so với năm 2022.
Xét quy mô, thu nhập của CEO ở nhóm vốn hóa lớn (quy mô vốn hóa từ 25.000 tỷ đồng) vượt xa mặt bằng chung, cao hơn khoảng 52% so với mức bình quân toàn thị trường trong năm 2023. Theo FiinGroup, điều này khá hợp lý khi hiệu quả hoạt động ở nhóm vốn hóa lớn tích cực hơn so với hai nhóm còn lại.
Nếu xét theo loại hình doanh nghiệp, báo cáo chỉ ra thu nhập bình quân của CEO tại nhóm doanh nghiệp nhà nước thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân, dù hiệu quả hoạt động khá tương đồng.
Báo cáo từ Fiingroup cũng cho thấy thu nhập của chủ tịch HĐQT bình quân năm 2023 là 1,7 tỷ đồng/người.
Ngân hàng và dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán) có thu nhập bình quân của chủ tịch HĐQT cao nhất, nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này.
Với thu nhập của thành viên độc lập HĐQT, báo cáo cho biết có sự chênh lệch lớn giữa các ngành. Cao nhất là ở ngành hàng cá nhân và ngân hàng, nhưng mức thu nhập trung bình vẫn còn mang tính tượng trưng ở nhiều doanh nghiệp.
Cụ thể, thu nhập trung bình cao nhất là ở PNJ và các ngân hàng lần lượt là 2 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng/năm, trong khi nhóm còn lại phần lớn dao động trong khoảng 100 - 500 triệu đồng/năm.
Những doanh nghiệp có chế độ thù lao cao đều là các doanh nghiệp đầu ngành.
Theo quan sát của đơn vị thống kê, những thành viên độc lập HĐQT có thù lao cao thường kiêm nhiệm thêm các vị trí cụ thể, ví dụ ủy ban kiểm toán, ủy ban chiến lược… của những doanh nghiệp đó.
Ngoài ra, xét theo quy mô vốn hóa, thu nhập bình quân của thành viên độc lập HĐQT cải thiện mạnh ở nhóm vốn hóa nhỏ trong năm 2023 và giảm nhẹ ở nhóm vốn hóa vừa.
Đồng thời, thu nhập bình quân của thành viên độc lập HĐQT chênh lệch không đáng kể giữa nhóm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Thanh Hoa