Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý II/2024 có 4 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 2.500 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng giá trị phát hành, và 84 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 88.719 tỷ đồng, chiếm 97,3%.
Trái với quý I/2024, hoạt động phát hành trong quý II đã trở nên sôi động hơn nhiều với sự tăng vọt về phát hành của nhóm ngân hàng và bất động sản. Trong đó, nhóm ngân hàng với 68.546 tỷ đồng, chiếm 75% tổng giá trị phát hành.
VBMA cho biết, 78% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II/2024 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm. Lãi suất phát hành bình quân quý II/2024 là 6,62%/năm, kỳ hạn phát hành bình quân quý II/2024 là 3,66 năm.
So với quý I, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II đi xuống ở hầu hết các nhóm ngành trừ nhóm bất động sản so với cùng kỳ năm trước, lãi suất bình quân giảm 3,17 điểm phần trăm. Theo chuyên gia, đây là diễn biến khá bất ngờ khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng lên trong quý II, cùng với đó là nhu cầu phát hành để bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn trong quý.
Trong quý II có 84 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 88.719 tỷ đồng, chiếm 97,3%. |
Trong quý II/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn là 41.011 tỷ đồng, giảm 51,3% so với cùng kỳ 2023. VNBA nhận định, nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng gần 140.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, phần lớn là bất động sản.
Trước áp lực trả tiền vẫn cao, nhiều doanh nghiệp tích cực đàm phán với trái chủ để xin gia hạn nợ, kéo dài thêm kỳ hạn trả lãi, giảm lãi suất. Với một số doanh nghiệp bất động sản thì chọn giải pháp hoán đổi trái phiếu sang trả bằng bất động sản. Trước tình hình này, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường, đặc biệt là các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản.
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings đánh giá: "Thị trường trái phiếu đã vượt qua giai đoạn khó khăn rồi, nhưng chúng ta sẽ bước vào chu kỳ kinh doanh mới, nó vừa đảm bảo được chất lượng, vừa được đi đúng hướng, an toàn hiệu quả và vấn đề minh bạch thông tin để cho các nhà đầu tư tin tưởng khi đầu tư vào trái phiếu".
Điển hình là trái phiếu riêng lẻ đã được niêm yết thông tin công khai ở Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để bảo vệ nhà đầu tư và hướng minh bạch thông tin. Cùng với đó, số lượng trái phiếu được bảo đảm cũng tăng.
Theo số liệu báo cáo nửa đầu năm nay có gần 15% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo. Ngoài ra, hiện các đối tượng phát hành đã được xếp hạng tín nhiệm tương đối nhiều, đối với phát hành riêng lẻ đạt hơn 4%.
"Tín hiệu thị trường rất tốt và trở thành văn hoá xếp hạng và hiện nay chúng tôi đang có một số các doanh nghiệp tiếp tục liên hệ để xếp hạng trong tháng 7, 8 và phục vụ cho việc chuẩn bị phát hành trái phiếu trong quý III và quý IV sắp tới", Chủ tịch HĐQT SaigonRatings cho biết.
Đối với trái phiếu bất động sản, theo TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đến nay, thị trường dường như đã nhìn nhận rõ ràng những khó khăn, đã có những giải pháp quyết liệt từ chính các doanh nghiệp… giúp thị trường bước ra khỏi vùng đáy khó khăn nhất.
Thực tế, trước áp lực trả tiền vẫn cao, nhiều doanh nghiệp tích cực đàm phán với trái chủ để xin gia hạn nợ, kéo dài thêm kỳ hạn trả lãi, giảm lãi suất. Với một số doanh nghiệp bất động sản thì chọn giải pháp hoán đổi trái phiếu sang trả bằng bất động sản. Trước tình hình này, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường, đặc biệt là các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản.
TS Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Tôi cho rằng, với doanh nghiệp bất động sản thì chúng ta phải có một cuộc gạn lọc về lòng tin và tài sản. Cái nhóm phát hành trái phiếu thì có vẻ như khó khăn hơn với doanh nghiệp bất động sản. Nhưng tôi tin có những mảng đầu tư trong doanh nghiệp bất động sản trong tương lai như đô thị, hạ tầng, năng lượng, công nghiệp… sẽ có khả năng hồi phục phát hành trái phiếu vì suy cho cùng nó vẫn là thị trường vốn để phát triển dài hạn".
Thanh Hoa