Theo số liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, đạt 16,5 tấn/ năm. Tuy nhiên, theo giới phân tích, con số này vẫn “chưa thấm vào đâu” so với tiềm năng tiêu thụ có thể đạt được.
Giới kinh doanh vàng cho biết, trong năm 2018, thị trường bán lẻ trang sức Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, lượng cầu trang sức vàng có mức tăng trưởng cao hơn năm 2017.
“Sân chơi” vẫn mở rộng
Hiện, dung lượng thị trường vàng trang sức Việt Nam đang ở mức 600 triệu USD với tốc độ tăng trưởng lên đến 15% theo năm. Những số liệu trên cho thấy vàng trang sức là một thị trường giàu tiềm năng và còn tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới.
Dẫn dắt thị trường vàng trang sức hiện nay không phải các “ông lớn” trong ngành vàng như PNJ, Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý…, mà là các cửa hàng bán vàng nhỏ lẻ truyền thống bởi quan niệm trang sức vàng thời trang là sản phẩm được mua chỉ với mục đích duy nhất là làm trang sức cho bản thân hoặc đem biếu tặng chứ không nhằm mục đích tích trữ.
Vì thế, phần lớn người dân có thu nhập trung bình thường tìm đến các cửa hàng nhỏ lẻ để tìm mua những sản phẩm hợp với nhu cầu và túi tiền.
Trong khi đó, các sản phẩm trang sức của những doanh nghiệp có thương hiệu chủ yếu dành cho những người theo xu hướng thời trang và tầng lớp trung lưu, thu nhập cao.
Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp này đã tung ra những sản phẩm có thiết kế đơn giản được làm gần hoàn toàn hoặc hoàn toàn từ vàng thay vì pha trộn với các loại đá quý hoặc kim loại quý khác, được bán với một mức phí gia công nhỏ cùng chi phí nguyên liệu vàng, nhờ đó giá thành sản phẩm rẻ hơn, chiếm được sự ưa chuộng của khách hàng nhiều hơn.
Số liệu thống kê của của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong năm 2016 với 80% thị phần thuộc về các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ, chỉ còn lại 20% cho các “ông lớn”.
Tuy nhiên, hiện nay, khoảng cách này đã được thu hẹp. Nghiên cứu của công ty chứng khoán Tp.HCM (HSC) mới đây chỉ ra rằng thị phần mà các doanh nghiệp lớn, theo đuổi bán lẻ hiện đại có xu hướng tăng qua các năm, hiện đã ở mức hơn 40%.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp có thể thấy, dù doanh thu về vàng miếng giảm mạnh trong thời gian qua, song biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn tăng nhờ chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh vàng thời trang.
Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường, có nhiều kinh nghiệm trong ngành, có năng lực tài chính vững chắc và khả năng hoạt động bài bản như: PNJ, Doji, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… đang bắt đầu cạnh tranh nhau khá quyết liệt ở mảng này, thể hiện qua việc các cửa hàng trang sức mọc lên nhanh chóng.
Hiện, dung lượng thị trường vàng trang sức Việt Nam đang ở mức 600 triệu USD với tốc độ tăng trưởng lên đến 15% theo năm. |
“Ông lớn” bành trướng
Trong số các tên tuổi nói trên, PNJ đang bỏ xa các đối thủ về số lượng cửa hàng. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tính đến cuối năm 2018, PNJ ghi nhận 55 cửa hàng tăng thêm so với cuối năm 2017, với tổng số 257 cửa hàng kinh doanh vàng trên cả nước. Doanh thu bán lẻ trang sức đạt khoảng 11.658 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước.
Trong khi đó, Doji cũng tiết lộ, năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2017, trong đó, có phần đóng góp không nhỏ của mặt hàng vàng thời trang.
Các doanh nghiệp vàng cho biết, nhu cầu mua vàng trang sức tăng mạnh trong thời gian qua là một tín hiệu tốt, điều này cũng tạo áp lực khiến doanh nghiệp cắt giảm chi phí, giảm giá thành và tạo ra các sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, đối với những người thực sự có nhu cầu mua vàng trang sức, giá bán, kiểu dáng sản phẩm và chất lượng là ba yếu tố được ưu tiên hàng đầu, tiếp sau mới đến chương trình ưu đãi, chính sách bảo hành…
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp vàng ngoại có mặt trên thị trường Việt Nam chưa nhiều, song vàng nội đang phải cạnh tranh vàng nhập ngoại ở các cửa hàng vàng nhỏ lẻ, đặc biệt về mẫu mã và giá của mặt hàng này lại khá cạnh tranh so với nữ trang của doanh nghiệp nội.
Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh nữ trang trong nước đang gặp khó khăn trong cạnh tranh với một số mặt hàng như vàng trắng của Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường cả về mẫu mã và chi phí.
Chị Hà Thị Minh Giang, chủ một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội, chia sẻ: “Với người tiêu dùng, nhất là phụ nữ, khi chọn mặt hàng nữ trang vàng để mua thì thường hướng đến yếu tố rẻ và đẹp, rồi mới đến chất lượng”.
Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài “bước chân” vào thị trường vàng trang sức Việt Nam. Ts. Phan Duy Minh, Học viện Tài chính, cho biết hiện nay, sức hút từ thị trường vàng trang sức Việt Nam khiến một số doanh nghiệp ngoại đang “nhăm nhe” nhảy vào thị trường này.
Vì thế, yếu tố đổi mới, sáng tạo và giá cả cạnh tranh rất quan trọng để các doanh nghiệp nội dẫn dắt thị trường, không để mất “miếng bánh ngon” ngay trên “sân nhà”.
Hoàng Hà