Trong thông cáo vừa phát hành, SCIC khẳng định: “SCIC không đầu tư vào F88”. Đồng thời thông tin thêm đối với khoản đầu tư 50 triệu USD vào F88, VOI không trực tiếp thực hiện đầu tư. Vai trò của VOI là tư vấn đầu tư và quản lý tài sản theo hợp đồng dịch vụ giữa VOI và Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority).
Trước đó, theo thông tin từ F88 doanh nghiệp này đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Hình ảnh ký kết được đăng tải trên Website chính thức của F88. |
Nguồn vốn mới này, theo kế hoạch sẽ được đầu tư vào phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới cũng như phát triển đội ngũ và thu hút nhân tài.
Được biết, VOI đơn vị liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC). VOI được thành lập từ năm 2008, hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước.
Tuy nhiên, kể từ khi trụ sở của F88 tại TP.HCM bị công an kiểm tra, khám xét do nghi ngờ thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản khiến dư luận quan tâm. Đây cũng chính là lý do, SCIC đã lên tiếng về khoản đầu tư này.
Trước đó, năm 2017-2018, F88 cũng đã gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ Quỹ Granite Oak liền sau đó.
Năm 2022, F88 tiếp tục nhận được khoản huy động 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London).
Cũng trong năm 2022, F88 được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm BBB - (Ổn định) và được Trung tâm Tài chính toàn diện (Center for Financial Inclusion - trước đây tên là The Smart Campaign) xếp hạng và cấp Chứng chỉ Bảo vệ khách hàng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2022-2025.
Thanh Hoa