Theo một số chuyên gia, lượng kiều hối gửi về trong tháng 12 và tháng 1 năm sau thường tăng cao so với cùng kỳ những tháng trước, nhiều nhất vào giai đoạn cao điểm hai tuần cận Tết Nguyên đán.
Tung quà hấp dẫn đón kiều hối cuối năm
Để đón dòng kiều hối cuối năm, các ngân hàng thương mại, đã tích cực tung ra các chương trình ưu đãi cho các dịch vụ chuyển và nhận tiền quốc tế, cùng với việc tích cực cải tiến chất lượng dịch vụ kiều hối cũng như triển khai thêm một số dịch vụ chi trả kiều hối mới để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của khách hàng.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, thông thường cuối năm ngân hàng sẽ tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại như một hình thức để tri ân khách hàng cũng như thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ.
Dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 tăng 5% so với năm ngoái lên 18,06 tỷ USD. (Ảnh: Int) |
Năm nay, các chương trình khuyến mại của ngân hàng đa dạng và hấp dẫn hơn so với những năm trước. Chẳng hạn, DongABank tung ra chương trình quay số "Xuân sang lộc phát – Tết đến Bình an".
Dịp này, Eximbank cũng triển khai tặng bao lì xì may mắn dành cho khách hàng cá nhân nhận tiền kiều hối MoneyGram tại các điểm giao dịch của ngân hàng.
Tương tự, tại Vietcombank khi khách hàng cá nhân nhận tiền kiều hối qua tài khoản Vietcombank với giá trị từ 500 USD (hoặc tương đương) trở lên sẽ có cơ hội được nhận xe máy Honda Vision. Còn Agribank khuyến mại “Mùa kiều hối Agribank: Nhận tiền nhanh – Nhiều quà tặng” với hơn 25.000 giải thưởng và tổng giá trị lên đến 1.6 tỷ đồng.
Theo thống kê hiện nay, TP HCM là một trong những địa phương có lượng kiều hối cao nhất, chiếm khoảng 30%, sau đó là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây. Cụ thể, chỉ trong tháng 10 và tháng 11, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng khoảng 1 tỉ USD. Dự báo kiều hối năm nay tại TP.HCM ước đạt khoảng 6,5 - 6,6 tỉ USD.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong bối cảnh đời sống người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều kiều bào cũng như người lao động tại nước ngoài đã tăng cường chuyển tiền về để trả nợ vay ngân hàng, hỗ trợ cuộc sống người thân ở Việt Nam khá lớn.
Chị Hà Thanh (quận Phú Nhuận, TPHCM), mở tiệm tạp hoá tại nhà, cho biết, mọi năm chị gái sống và làm việc tại CHLB Đức đều gửi tiền về hỗ trợ gia đình vào dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, khi biết dịch bệnh kéo dài, đời sống khó khăn nên chị gái gửi tiền về sớm hơn.
“Với số tiền được chuyển về trong đợt dịch vừa qua, tôi có thể trang trải cuộc sống trong mấy tháng giãn cách không có thu nhập. Số tiền còn dư, tôi dùng làm vốn lấy thêm hàng hóa để bán sau khi hết giãn cách”, chị thanh kể.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 tăng 5% so với năm ngoái lên 18,06 tỷ USD (chiếm 4,9% GDP).
Tỷ trọng kiều hối tại các ngân hàng tăng mạnh
Chia sẻ với VnBusiness, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, tỷ trọng kiều hối chuyển về Việt Nam qua ngân hàng tăng mạnh qua các năm. Ví dụ, tại Agribank tính đến cuối tháng 11, kiều hối qua Agribank đạt khoảng 1,1 tỉ USD, cao hơn con số kiều hối qua ngân hàng này trong năm 2020. Nếu ước cả năm nay, ngân hàng có lượng kiều hối đạt 1,2 tỉ USD, tăng 15%.
Hay như tại Sacombank, trong 5 năm gần nhất (2016 - 2021), bình quân mỗi năm Sacombank tăng trưởng hơn 30%. Năm 2021, kiều hối về VN qua ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước trên 20%.
Còn tại DongABank lượng kiều hối về Việt Nam qua ngân hàng này đã tăng 10% so với cùng kỳ 2020; Vietcombank, lượng kiều hối tính đến nay đã đạt gần 2 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái…
Các ngân hàng này cho biết, nguyên nhân giúp cho lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh là do các ngân hàng mở rộng khai thác thị trường sang các nước khác nhằm đón dòng kiều hối. Bà Đinh Thị Thu Thảo, Phó tổng giám đốc Eximbank khẳng định, định hướng chiến lược kinh doanh của Eximbank trong năm 2021 sẽ tập trung đẩy mạnh nguồn giao dịch từ các đối tác nước ngoài để tăng trưởng dịch vụ. Vì vậy, thời gian qua ngân hàng đã mở rộng hợp tác với một số đối tác để tạo thuận lợi mang đến cho khách hàng dịch vụ chi trả kiều hối trực tuyến nhanh chóng, an toàn và hoạt động xuyên suốt 24 giờ kể cả các ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank cho biết, lượng kiều hối “chảy” qua ngân hàng tăng mạnh do Agribank đã mở rộng khai thác thị trường Nhật Bản, giúp cho lượng kiều hối từ nước này chiếm thị phần lớn nhất là 14%, Mỹ (12%), Đài Loan (4,5%) và Hàn Quốc 3%, còn lại chia đều cho các thị trường khác.
Theo Phó Tổng giám đốc Vietcombank, xu hướng kiều hối chuyển qua tài khoản tăng mạnh trong vài năm nay do tỉ giá ổn định. Vietcombank tiếp tục tích cực và chủ động thu hút kiều hối để quảng bá thương hiệu, đa dạng dịch vụ và tiện ích tới khách hàng. “Không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, kiều hối còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước, bù đắp cán cân thương mại, giảm sức ép lên tỉ giá", ông Tuấn nhận định.
Huyền Anh