![]() |
Nợ xấu năm 2015 là gần 477 nghìn tỷ, chiếm 8,85% tổng dư nợ
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 8 tổ chức tài chính, ngân hàng... gửi tới Quốc hội.
Theo báo cáo, năm 2015, thông qua điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đã đảm bảo thanh khoản ổn định cho các tổ chức tín dụng và hỗ trợ mục tiêu ổn định tỷ giá; tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 17,26%, cao hơn mức tăng trưởng định hướng (khoảng 13%-15%)...
Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, mặc dù lãi suất cho vay trung và dài hạn năm 2015 đã giảm 0,2-0,5%/năm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (giảm 1%-1,5%/năm).
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn cao. Cụ thể, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2015 tính đầy đủ bao gồm cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ.
Trong đó, nợ xấu của Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng công bố là 2,55% đến hết năm 2015, con số này ít hơn rất nhiều con số 8,85% cơ quan kiểm toán vừa công bố.
Cũng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, VAMC chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp; việc cân đối vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội rất khó khăn, trong đó nhiều khoản vay từ Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước phải gia hạn hoặc khoanh nợ.
Bên cạnh đó, hầu hết các chi nhánh Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay (một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay).
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết còn một số tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt hoặc tình hình tài chính rất yếu kém như 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng (CBBank, GPBank, OceanBank), Ngân hàng Đông Á, Công ty Tài chính Cổ phần Handico, Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy, Công ty Cho thuê tài chính công nghiệp Tàu thủy, Công ty cho thuê tài chính ALC II.
Nhiều tổ chức tín dụng đang tạo ra và sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn (lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại). Cụ thể, tổng lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại năm 2015 của toàn hệ thống là 50.540 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng TMCP Sài Gòn là 21.477 tỷ đồng, TMCP Sài Gòn Thương tín 6.684 tỷ đồng, TMCP Đại Chúng 4.990 tỷ đồng...
Nhiều ngân hàng thương mại tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, việc xử lý hết sức khó khăn và tỷ lệ thu hồi rất thấp như ACB, Eximbank, Sacombank, CBBank, GPBank, Ocean Bank...
VT