Phiên chất vấn ngày 17/11, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình Quốc hội về diễn biến nợ công đang tăng quá cao tới 20%/năm và những áp lực tái cơ cấu nợ vay.
Vòng xoáy vay nợ và đảo nợ
Theo ông Dũng, giai đoạn 2016 - 2020 (tầm nhìn đến năm 2030), mục tiêu quản lý nợ công là không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài không quá 50%.
Nhưng ông Dũng thừa nhận, nợ công đã tăng rất nhanh với tốc độ 20%/năm là quá cao. Cụ thể, nợ công chiếm mức 50% GDP (năm 2011), 50,8% (năm 2012), lên 54,5% (năm 2013). Đến năm 2014, nợ công bất ngờ tăng vọt lên mức 59,6% và dự kiến sẽ chạm mốc 61,3% cuối năm 2015.
Dù nợ công hiện vẫn ở dưới ngưỡng 65% GDP, song nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế đều bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng nợ công “thần tốc” của Việt Nam.
Hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó cảnh báo tình trạng mất cân đối tài khoá kéo dài là đáng quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng cao.
Tổng nợ công của Việt Nam theo ước tính của World Bank cỡ khoảng 2,35 triệu tỉ đồng (khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, nợ Chính phủ chiếm tới 79,6% tổng nợ công, 19% là nợ được Chính phủ bảo lãnh và chỉ khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương. Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank đã cảnh báo những rủi ro, thách thức từ việc tái cơ cấu chậm trễ, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm… sẽ khiến nợ công nhấp nhổm tăng cao và dưới mức 75%GDP.
Do Chính phủ đang chịu áp lực vay nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn, phục vụ nhiệm vụ chi tiêu ngân sách tăng cao. Nhưng World Bank chỉ rõ rủi ro: huy động vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ quá ngắn (trung bình kỳ hạn 3,1 - 4,8 năm của năm 2013-2014) có thể phát sinh rủi ro vòng nợ không khớp kỳ hạn. Hay nói cách khác, sẽ rất khó “xoay” đủ tiền để đảo nợ trong thời gian gấp gáp như vậy.
Hơn nữa, số thu từ đợt phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD (kỳ hạn 10 năm) hồi tháng 11/2014 được dùng để cơ cấu nợ vay cũ, sẽ tạo thêm gánh nặng lên ngân sách. Mà nghĩa vụ thanh toán nợ công thực tế đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014.
Dù vậy, trước nghị trường Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vẫn khẳng định “nợ công đã từng bước được cơ cấu lại, vay nợ trong nước từ mức 39% tổng số nợ công (năm 2011) tăng lên mức 57,1% (năm 2015). Vay nợ nước ngoài đã giảm đi”.
Vay dễ, khó trả ?
Theo cáo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011 – 2013, Việt Nam đã vay nợ khoảng 64.000 tỷ đồng với lãi suất bình quân 10,5%/năm. Một số khoản vay lãi suất cao nhất là 13,2%/năm và thấp cũng khoảng 8,4%/năm. Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, những khoản nợ vay cần nhanh chóng tái cơ cấu và có giải pháp “mềm dẻo” để đảm bảo an toàn nợ công, như phát hành trái phiếu quốc tế…
Vì trước đó, ông Dũng từng giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rằng năm nay, Chính phủ phải trả nợ trái phiếu tới 135.000 tỷ đồng trong bối cảnh khó phát hành thêm trái phiếu, thu ngân sách căng thẳng.
Để giải toả lo ngại ngân sách đang chi quá nhiều tiền để trả nợ, Bộ Tài chính đưa ra vài số liệu: tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013, tăng lên 13,8% năm 2014 và năm 2015 cỡ khoảng 6,1%. Bộ Tài chính cho rằng tỷ lệ trả nợ vẫn dưới ngưỡng quy định 25% của Chiến lược nợ công, nhưng số liệu mà một tổ chức nghiên cứu công bố cùng thời điểm là tỷ lệ trả nợ chiếm tới 31%.
Nợ công tăng quá cao là điều đáng ngại, nhưng vấn đề thu xếp nguồn vốn trả nợ công không hề dễ dàng. Có thời điểm, Bộ Tài chính đã phải xin một số giải pháp xử lý tình thế trước áp lực trả nợ đến hạn.
Sau khi phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, giữa năm 2015, Bộ Tài chính đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ cho nhà đầu tư trong nước bằng đồng USD. Và bên mua được xác nhận là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đây là khoản đầu tư “khủng” vào trái phiếu Chính phủ mà giới tài chính nhìn nhận như giải pháp “cứu nguy” cho ngân sách nhà nước.
Đến tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính lại có đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho vay khoảng 30.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho ngân sách. Khoản vay “nóng” này sẽ được hoàn trả ngay trong năm nay.
Nhiệm vụ trả nợ trong kế hoạch đã khó, vậy còn những nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước sẽ trả thế nào? Hiện, nợ từ khu vực này vẫn chưa có số liệu chính xác nhưng theo các chuyên gia tài chính ước tính có quy mô khá lớn. Đây cũng là rủi ro lớn đe doạ tính bền vững của nợ công. Khi Chính phủ chủ trương không sử dụng tiền ngân sách để tái cấp vốn cho ngân hàng, tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nghĩa vụ trả nợ ở khu vực này sẽ đặt lên vai ai?
Hải Hà