Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 18/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch tại 1.842 USD/ounce, tăng 24 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước. Giá vàng giao tháng 6/2022 cũng tăng 25 USD/ounce, giao dịch lần cuối tại 1.841 USD/ounce.
Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới gần 17,6 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Int) |
Đêm qua (19/5), có thời điểm giá vàng vọt lên hàng chục USD/ounce do lãi suất trái phiếu Mỹ giảm, giới đầu cơ bán tháo USD thu về lợi nhuận sau khi liên tục tăng giá vào nhiều ngày trước, khiến đồng bạc xanh giảm giá rất mạnh xuống mức 102,87 điểm - mức thấp nhất trong 2 tuần qua.
Đồng thời, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng giảm mạnh khi giới đầu tư bán tháo chuyển vốn vào vàng.
Ở các thị trường quan trọng khác, giá dầu thô kỳ hạn ổn định và giao dịch quanh mức 110 USD/thùng đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng của giá vàng hôm nay.
Trong nước, giá vàng tiếp tục có xu hướng chững lại khi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý điều chỉnh nhẹ hoặc giữ nguyên mức giá giao dịch của ngày trước đó. Rạng sáng hôm nay (20/5), giá vàng ghi nhận ngày thứ 4 liên tiếp không nhiều biến động, giao dịch quanh mốc 69 triệu đồng/ lượng.
Cụ thể, Tập đoàn DOJI niêm yết 68,25 - 69,15 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán nhưng giữ nguyên mức giá mua của ngày trước đó.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Phú Quý giao dịch ở mức 68,3 - 69,2 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Trong khi đó, Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng vẫn giữ nguyên giá mua bán ở mức 68,25 - 69,27 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 51,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng trong nước được thu hẹp, gần 17,6 triệu đồng/lượng.
Mặc dù khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp, song các chuyên gia đánh giá đây vẫn là mức quá cao.
Trước đó, mức chênh lệch này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Nhưng trong khoảng 1 năm trở lại đây, khoảng cách này được nới rộng đến mức kỷ lục là gần 19 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới 10 - 15%.
Chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy trong nền kinh tế. Đó là dễ dẫn đến nguy cơ buôn lậu vàng vì vàng đang đem lại lợi nhuận quá lớn. Bên cạnh đó, dễ đẩy thị trường phát triển lệch lạc, không thể hiện đúng giá trị thực và phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Đặc biệt, khi mọi đồng vốn trong dân đều tập trung mua vàng, tức một nguồn vốn lớn đang “trốn” trong két sắt thì rất khó huy động để đầu tư phát triển kinh tế.
Châu Giang