Trong tuần trước, giá vàng trong nước đã trải qua đợt biến động mạnh khi có phiên biên độ dao động tăng giá đối với vàng SJC lên tới 1,6 triệu đồng/lượng. Chốt tuần, giá thương hiệu vàng SJC đã tăng tổng cộng khoảng 2,7 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn 99,99 cũng đạt mức tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, thời gian qua, giá vàng trong nước tăng cao một phần do tác động từ giá vàng thế giới tăng trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu dừng thắt chặt tiền tệ và chuẩn bị cho chu kỳ nới lỏng vào năm sau. Điều này khiến đồng USD giảm giá, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, nhà đầu tư quốc tế chuyển dòng tiền sang vàng.
Tuy nhiên, trên thế giới, giá vàng cũng tăng nhưng ở mức độ hạn chế hơn so với vàng SJC. Trong tuần qua, giá vàng giao ngay chỉ tăng khoảng 35 USD/ounce, tương đương với mức tăng chỉ từ 1 – 1,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi ra vàng Việt Nam. Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới nới rộng lên mức trên 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới trên chục triệu đồng/lượng. |
Theo lý giải của ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), giá tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC. Nguyên nhân xuất phát từ các quy định quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu nhưng từ năm 2012 đến nay lại không nhập khẩu vàng. Thiếu nguồn cung, một số doanh nghiệp thậm chí phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng Nghị định 24 không còn phù hợp và cần phải thay đổi để cả người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi.
Tổng thư ký VGTA cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng như hiện nay chẳng khác nào cơ quan này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. “Cơ quan Chính phủ chỉ can thiệp thị trường bằng định hướng chính sách thôi chứ không thể can thiệp thị trường bằng vật chất. Không thể nói giá xăng cao mà Bộ Công Thương lại đi nhập xăng về bán được. Vàng cũng như vậy”, Tổng thư ký VGTA nói.
Ông Đinh Nho Bảng đặt vấn đề là có nên duy trì vàng SJC làm vàng chuẩn quốc gia hay không, vì cùng chất lượng như nhau, trọng lượng như nhau, nhưng hiện nay, chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng là vô lý.
Không thể phủ nhận tác động hiệu quả từ Nghị định 24 giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu chống "đô la hóa, vàng hóa", thị trường tự điều tiết được cung - cầu. Đặc biệt, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được ngăn chặn, vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán... Tuy nhiên, khi thị trường đã bình ổn, ổn định trở lại, ông Bảng cho rằng cần phải thay đổi.
“Tôi nghĩ các quy định tại Nghị định 24 đương nhiên phải thay đổi. Còn sửa hay làm mới thì sẽ phụ thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhưng quan điểm của VGTA là nên làm mới, thay thế bằng một Nghị định khác để người dân, doanh nghiệp dễ đọc, dễ hiểu”, đại diện VGTA nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện chức năng sản xuất và kinh doanh vàng, vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng, dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu và vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC có những thời điểm gần 15 triệu đồng/lượng, mặc dù chất lượng như nhau. “Chính sách độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Do đó, ông Long đặt vấn đề trước hết cần cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức. “Nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra - vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Thanh Hoa