Theo ghi nhận vào đầu giờ sáng nay (17/1), giá vàng miếng SJC trên thị trường trong nước tiếp tục có xu hướng đi xuống với mức giảm cao nhất so với phiên giao dịch trước đó là 500.000 đồng/lượng, đẩy giá vàng lùi dần về 76 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng liên tục giảm, vàng nhẫn lập kỷ lục
Cụ thể, giá vàng miếng đang được các hệ thống kinh doanh niêm yết như sau: Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 74,00 - 76,52 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji niêm yết tại 73,95 – 76,45 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại 73,90 – 76,20 triệu đồng/lượng; Hệ thống PNJ niêm yết tại 74,50 – 76,70 triệu đồng/lượng và Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 74,10 – 76,15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn âm thầm lập kỷ lục, còn vàng miếng SJC điều chỉnh giảm dần. (Ảnh: Int) |
Trong bối cảnh thị trường vàng miếng "trầm lắng", chiều ngược lại, giá vàng nhẫn vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng. Mặc dù không ghi nhận những đợt tăng giá mạnh như mặt hàng vàng miếng SJC, nhưng vàng nhẫn liên tục có những đợt tăng đều từ đầu tháng 12/2023 đến nay. Mức tăng dao động từ vài trăm nghìn/lượng mỗi phiên đã kéo giá mặt hàng này tiệm cận mốc 65 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Xét chung trên toàn thị trường, hiện giá giao dịch vàng nhẫn cao nhất được ghi nhận tại Bảo Tín Minh Châu. Doanh nghiệp này neo giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 63,88 - 64,98 triệu đồng/lượng. Theo sau là nhẫn tròn của DOJI được giao dịch tại 63,65 - 64,65 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn của Phú Quý đang được mua vào ở mức 63,15 - 64,55 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán. Vàng nhẫn của PNJ tăng 150.000 - 200.000 đồng/lượng ở chiều mua - bán, giao dịch tại 63,05 - 64,1 triệu đồng/lượng.
So với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, giá vàng nhẫn đã tăng 1,1 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng ròng 1,7%. Tuy nhiên, do chênh lệch mua - bán mặt hàng này đang ở mức hơn 1 triệu đồng, nên người dân mua vàng từ cuối năm trước đến nay vẫn chưa có lãi.
Như vậy, với giá vàng thế giới đang ở mức 2,026.84 USD/ounce, quy đổi ra tiền Việt (chưa bao gồm thuế, phí) tương đương gần 60,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC trên 16 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.
Đi tìm nguyên nhân
Dạo quanh thị trường vàng trong những ngày gần đây như phố Hàng Bạc, Hà Trung (Hà Nội) nhiều người mua vàng miếng SJC khá bất ngờ khi cửa hàng thông báo "không có hàng/hết hàng". Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh vàng miếng SJC “hạ nhiệt” khi giới đầu cơ bắt đầu bán ra sau khi loại vàng này tăng hàng triệu đồng mỗi lượng, đặc biệt là sau các quyết sách điều chỉnh kịp thời của Chính phủ về việc ổn định thị trường vàng.
Bên cạnh đó, trong lúc giá vàng SJC có xu hướng điều chỉnh giảm và khan hàng thì một luồng tiền mới đã tiếp cận thị trường vàng nhẫn, qua đó đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Không chỉ vậy, nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng lựa chọn tìm tới các loại vàng nhẫn hơn là lựa chọn vàng miếng SJC bởi vàng nhẫn vừa có chất lượng và giá cả đúng với giá trị, đồng thời tỷ giá cũng không chênh quá nhiều so với vàng thế giới nên an toàn để bảo vệ giá trị tài sản trong điều kiện thị trường nhiều biến động.
TS Đào Lê Trang Anh, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, việc sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng tại Việt Nam có thể tạo ra nhiều thay đổi đáng kể với thị trường vàng.
Về mặt khách quan, nếu không còn độc quyền thương hiệu cho một loại vàng cụ thể thì thị trường vàng sẽ có sự đa dạng hơn về các loại vàng được chấp nhận và giao dịch. Điều này có thể làm giảm giá vàng SJC nếu xuất hiện các sản phẩm vàng mới có chất lượng và uy tín tương đương hoặc tốt hơn, đồng thời cũng có thể làm tăng giá cho các sản phẩm vàng khác.
Có thể thấy, thời gian qua, có thời điểm giá vàng miếng SJC tăng bất thường lên đến trên 80,3 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Chưa kể, chênh lệch giá ở hai chiều mua - bán đều được các nhà kinh doanh giữ ở một khoảng cách rất rộng. Điều này khiến những người mua vàng miếng SJC bị thiệt đơn thiệt kép.
Vì vậy, sau khi sửa đổi nghị định 24, giá vàng trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô như biến động tỷ giá, tình hình kinh tế toàn cầu, và yếu tố cung - cầu trên thị trường. Điều này sẽ làm giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
“Việc mở cửa thị trường vàng cho nhiều thương hiệu cùng cạnh tranh có thể đẩy mạnh nhu cầu về sự minh bạch và quản lý chất lượng trong sản xuất và kinh doanh vàng. Các tiêu chuẩn và quy định có thể được cải thiện để bảo vệ người tiêu dùng cũng như tăng cường sự tin cậy trên thị trường”, bà Trang Anh nhận xét.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú mới đây nhấn mạnh, Nghị định 24 ra đời cách đây hơn 10 năm và đã phát huy vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, đảm bảo mục tiêu lớn nhất là chống vàng hóa nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, tỷ giá. Tuy nhiên, Nghị định 24 ra đời cách đây hơn 10 năm và giờ đây đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình hiện tại. Việc sửa đổi phải vừa đảm bảo quản lý vừa đảm bảo tính thị trường. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và xin ý kiến rộng rãi.
Trở lại với giá vàng hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng với đà tăng mạnh và ổn định của giá vàng nhẫn cùng với sự chênh lệch giá mua - bán ổn định, người dân đưa vốn vào vàng nhẫn có thể là một lựa chọn hợp lý. Dù vậy, người mua cần lưu ý rằng thị trường vàng có thể biến động do nhiều yếu tố khác nhau, như: thị trường quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội, chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước... Do đó, việc theo dõi và cập nhật thông tin là rất quan trọng để đưa ra quyết định mua - bán vàng kịp thời để tránh đầu tư thua lỗ.
Châu Giang