Tại các phiên điều trần trước Thượng viện và Hạ viện vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cho thấy quan điểm thận trọng trong việc đối phó với lạm phát, và nhấn mạnh chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế, trong đó dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến, khiến cho đỉnh lãi suất có thể phải cao hơn kỳ vọng trước đây.
Vẫn có yếu tố hỗ trợ tích cực cho tỷ giá
Điều này đã khiến cho thị trường đặt nhiều kỳ vọng hơn về việc xác suất Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 3 tới đây. Tuy nhiên, sự kiện liên quan đến Ngân hàng SVB đã tiếp tục khiến thị trường định giá lại xác suất Fed tăng lãi suất.
Theo giới phân tích, sự sụp đổ của SVB đang đặt Fed vào tình thế khó, một mặt vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát, mặt khác tiếp tục tăng lãi suất có thể đẩy các tổ chức tài chính vào tình thế nguy hiểm.
Tỷ giá trong nước đang diễn biến tương đồng với thế giới. |
Vì vậy, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn so với trước đây. Theo đó, thị trường hiện dự báo mức đỉnh lãi suất điều hành của Fed ở mức 5-5,25%, thấp hơn so với trước sự kiện SVB là 5,5-5,75% và kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý IV năm nay, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2024.
Tính đến 4h ngày 14/3 (giờ Hà Nội), xác suất Fed giữ nguyên lãi suất đã được đẩy lên 34%. Do đó, đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã bị đảo ngược. Hiện, chỉ số USD Index đang sụt giảm mạnh từ mốc gần 106 điểm về quanh 104.
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang ghi nhận nhiều biến động lớn, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam cũng giảm mạnh.
Tương đồng với diễn biến quốc tế, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá liên ngân hàng đã hạ nhiệt trong tuần trước. Kết tuần qua, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank giảm 50 đồng/USD, trong khi tỷ giá chợ đen đi ngang. Cùng với đó, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm 0,15%, xuống 23.700 VND/USD.
Đáng chú ý, diễn biến tỷ giá trong nước tiếp tục hạ nhiệt trong phiên ngày 14/3 sau những thông tin về SVB được công bố. Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 14/3 ở mức 23.618 đồng, giảm 18 đồng so với ngày hôm trước.
Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền, hãm đà tăng tỷ giá
Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, tỷ giá trong nước đang diễn biến tương đồng với thế giới và điểm tích cực hỗ trợ cho sự ổn định trong nước đến từ nguồn cung ngoại tệ, với việc cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm ước tính thặng dư tới 3,4 tỷ USD và kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút được lượng lớn du khách quốc tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong những phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hút ròng lượng tiền lớn thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), chủ yếu nhằm điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng cho giai đoạn tuần 6/3 – 10/3/2023.
Trong đó, nghiệp vụ bán tín phiếu được đẩy mạnh, với việc phát hành 108,8 nghìn tỷ đồng ở 2 kỳ hạn 7 và 91 ngày và lãi suất 6%. Trong khi kênh cầm cố vẫn được duy trì xuyên suốt tuần, nhằm tài trợ cho khối lượng đáo hạn tương đối lớn (gần 25 nghìn tỷ đồng, bao gồm việc đáo hạn từ các hợp đồng 91 ngày được phát hành vào tháng 12/2022).
Kết tuần, thông qua kênh thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đã rút ròng tổng cộng 40,3 nghìn tỷ đồng. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm nhẹ xuống còn 31,9 nghìn tỷ đồng, trong khi khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu là 202,6 nghìn tỷ đồng. Trong tuần liền trước, nhà điều hành cũng hút ròng nhẹ 1,4 nghìn tỷ đồng.
Giới chuyên môn cho rằng, việc hút bớt VND nhằm trung hòa lượng tiền VND đang có phần dôi dư, qua đó hãm lại đà tăng của tỷ giá USD/VND.
Thực tế cho thấy, chốt ngày 10/3, mức lãi suất dừng tại 6,22% ở kỳ hạn qua đêm (không thay đổi so với tuần liền trước). Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD ở trạng thái dương.
Thanh Hoa