Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng 23/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.932,3 USD/ounce; giảm 18,8 USD/ounce so với ngày trước đó. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 cũng giảm 14,4 USD/ounce xuống còn 1.933,6 USD/ounce.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng, gần 17 triệu đồng/lượng. |
Giá vàng thế giới tiếp tục kéo dài các phiên giảm do liên tiếp chịu áp lực mạnh mẽ của lợi suất trái phiếu tăng, đồng USD mạnh hơn và giá dầu thô giảm.
Cụ thể, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao sau phát biểu "diều hâu" của người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để kiềm chế lạm phát đang tăng nóng. Đó là lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong thời gian tới và gần nhất có thể sẽ tăng lãi suất nửa điểm trong tháng 5 tới.
Theo đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã kéo dài chuỗi tăng, còn chỉ số US Dollar Index đạt mức đỉnh mới kể từ tháng 3-2020. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt 2,945%. Chỉ số US Dollar Index vượt 101 điểm, tăng 0,54% so với ngày trước đó.
Tại Việt Nam, giá vàng tiếp đà tăng nhẹ từ 50.000 đồng/lượng đến 150.000 đồng/lượng, giao dịch quanh ngưỡng hơn 70 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Cụ thể, Tập đoàn DOJI ở khu vực Hà Nội tăng 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, niêm yết 69,85 - 70,55 triệu đồng/lượng. Ở khu vực TP Hồ Chí Minh, giá vàng đang giao dịch ở mức 69,8 - 70,5 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày trước đó.
Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, niêm yết ở mức 69,8 - 70,52 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Như vậy, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng, gần 17 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, giá vàng SJC trải qua những diễn biến thất thường với biên độ lớn, đồng thời có chênh lệch giá lớn giữa thị trường trong nước và thế giới. Thêm vào đó, những biến động mạnh của thị trường chứng khoán những phiên gần đây cũng làm cho giá vàng đã có biến động giá nhiều lần trong một ngày.
Hiện, giá vàng đang chịu tác động mạnh từ hàng loạt yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó tâm lý đóng vai trò khá lớn do sự bấp bênh gắn với tình hình kinh tế, chính trị thế giới, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine và các hệ lụy theo sau.
Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề lạm phát, kỳ vọng lạm phát; thiếu hụt nguồn cung năng lượng khiến giá xăng dầu tăng mạnh; gắn liền với đó là chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới với những gói hỗ trợ chống lại tác động của dịch Covid-19; các quỹ đầu tư tạo ra áp lực mua vàng khối lượng lớn. Không chỉ vậy, giá vàng trong nước còn chịu tác động mạnh từ việc thiếu hụt nguồn cung, thể hiện rõ nhất là thị trường vàng miếng SJC.
Các chuyên gia dự báo, mốc 70 triệu đồng/lượng sẽ là ngưỡng giao dịch mới của vàng trong nước. Theo đó, thời gian còn lại của năm 2022, nhiều khả năng giá vàng trong nước sẽ giao dịch quanh ngưỡng này. Về dài hạn, giá vàng được cho là sẽ còn tăng nhưng xét trung hạn, giá vàng khó bật cao khỏi ngưỡng 70 triệu đồng/lượng.
Châu Giang