Ở đầu nhiệm kỳ, tân thống đốc Lê Minh Hưng đã có màn “ghi điểm” ấn tượng khi sửa đổi các chính sách quan trọng như mở lại van tín dụng ngoại tệ, sửa đổi Thông tư 36 theo hướng chưa siết tín dụng bất động sản, chỉ đạo hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp…
Mở – đóng vốn ngoại tệ kịp thời
Chiều tối 27/5, NHNN đã ban hành chỉ thị yêu cầu các ngân hàng thương mại mở lại kênh cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu sau gần ba tháng hạn chế (dừng cho vay ngoại tệ từ ngày 31/3/2016).
Đối tượng được vay USD trở lại chỉ ở phạm vi hẹp là “các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam”.
Điều kiện đi kèm việc nới tín dụng này là doanh nghiệp vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay được vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Trước đó, để kiểm soát thị trường ngoại tệ diễn biến “nóng”, NHNN đã ban hành Thông tư 24/2015/TT-NHNN, trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang mua bán USD thuần túy kể từ ngày 31/3/2016.
Đây là một quyết định mạnh mẽ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hoá, giữ ổn định tỷ giá, hạn chế tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ… do nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra hồi cuối năm 2015.
Thời điểm đó, thị trường ngoại tệ là tâm điểm bàn luận khi NHNN vừa mạnh tay điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, nới rộng biên độ giao dịch lên +/-3%, nhằm chủ động ứng phó với diễn biến đồng Nhân dân tệ, khả năng FED tăng lãi suất cơ bản USD…
Việc đóng – mở van tín dụng ngoại tệ cũng được NHNN thực hiện trong các năm gần đây, linh hoạt theo diễn biến thị trường. Cuối năm 2012, NHNN từng siết chặt tín dụng ngoại tệ song trước khó khăn của doanh nghiệp và nhu cầu vay vốn lãi suất thấp, nhà điều hành đã lần lượt nới thêm vào các năm 2013, 2014, 2015.
Thực tế, việc “đóng van” tín dụng ngoại tệ đã vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn, thường xuyên và lợi nhuận phụ thuộc chủ yếu vào chính sách tỷ giá…
Liên tục kiến nghị sửa đổi chính sách tiền tệ, giữa tháng 4/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị NHNN sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN để tạo điều kiện cho DN xuất khẩu thủy sản tiếp cận vốn ngoại tệ ngắn hạn.
Theo VASEP, Thông tư 24 bộc lộ bất cập khi giới hạn thời hạn vay ngoại tệ ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu chỉ đến “hết ngày 31/3/2016”. Điều này càng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, mà việc cho DN vay ngoại tệ làm hàng xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá ngoại tệ.
![]() |
Nguồn vốn ngoại tệ giá thấp sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt chi phí, tăng sức cạnh tranh
Chống đôla hoá và lợi ích DN
Cùng chung nguyện vọng này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng mới đây cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ để giảm bớt chi phí tài chính, tăng hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động…
Theo hiệp hội này, giai đoạn 2011-2015, nếu NHNN không cho vay ngoại tệ thì số doanh nghiệp xuất khẩu cả nước bị phá sản sẽ rất nhiều._Chi phí lãi vay VND đắt gấp đôi lãi vay bằng ngoại tệ và phần đông doanh nghiệp phải vay vốn bằng VND nên gánh nặng chi phí rất lớn, dẫn tới giá hàng hoá không cạnh tranh được với các nước khác.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng kêu than rằng Thông tư 24 siết vay vốn ngoại tệ đã làm “đội” chi phí sản xuất, thay vì vay lãi USD là 1,5-2%, thì họ phải trả lãi tới 6-7% khi vay bằng VND. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ trả lãi vay từ 0-1%, nên có lợi thế cạnh tranh cao hơn hẳn.
Trước những khó khăn về nguồn vốn của DN, NHNN cũng chưa “vội” điều chỉnh ngay mà phải cân nhắc các điều kiện, diễn biến thị trường ngoại tệ, cân đối mục tiêu chống đô la hoá…
Giữa yêu cầu vay vốn bức thiết của doanh nghiệp, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với yêu cầu kiểm soát tỷ giá, chống đô la hoá đặt ra bài toán lợi ích chung – riêng cần tính toán thận trọng.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chia sẻ rằng việc “mở van” tín dụng ngoại tệ đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô mấy tháng đầu năm 2016 còn khó khăn, tăng trưởng thấp, thiên tai diễn biến bất thường… Những khó khăn đó diễn ra khách quan, ngoài dự tính của chính sách tín dụng ngoại tệ đã xác định cuối 2015.
Dù còn lo ngại những biến động và rủi ro tỷ giá, song nguồn vốn ngoại tệ giá thấp sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt chi phí, tăng sức cạnh tranh. Chính sách ngoại tệ rất cần sự chủ động, linh hoạt sửa đổi kịp thời.
Thu Hằng