Theo nhận định của các chuyên gia, đây là thực trạng của không ít doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, DN có vay tín dụng ngoại tệ để đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay.
Đáng chú ý là khi những biến động này xảy ra, DN cuống cuồng tìm cách gỡ lỗ nhưng vô cùng khó.
Rủi ro được DN ít chuẩn bị nhất
Gần hai tuần qua, tỷ giá có những biến động mạnh, tăng hơn 1% so với thời điểm hồi đầu năm, với các DN xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với các DN nhập khẩu nguyên phụ liệu, hàng hóa, đó như là “cú sốc” khiến họ trở tay không kịp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề chính là DN đã lơ là, bỏ quên chuyện quản lý rủi ro tỷ giá, nên khi VND chỉ “bốc hơi” hơn 1% thì DN lập tức thua lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhiều hiệp định thương mại đã có hiệu lực, nên sẽ không tránh khỏi những tác động từ quốc tế đối với các DN trong nước.
Thế nhưng, việc DN phải chủ động thay đổi, lột xác về quản trị lẫn tâm thế sẵn sàng nghênh đón mọi tác động, sức ép của chính sách lẫn thị trường vẫn chưa được chú trọng.
Bài học về biến động tỷ giá ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận của DN không phải chưa từng xảy ra. Trong quá khứ, những cái tên như Nhiệt điện Phả Lại, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2… đã mất hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng do không có biện pháp quản lý rủi ro khi tỷ giá tăng lên bất ngờ.
Đợt điều chỉnh tỷ giá hiện nay, những DN càng có khoản vay ngoại tệ lớn càng lỗ nặng khi tỷ giá tăng cao.
Chẳng hạn, nhiều DN sản xuất đồ nhựa thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho mỗi đơn hàng đã ký. “Với các đơn hàng đã ký trước đó, khi tỷ giá tăng cao, giá thành sản phẩm cũng tăng lên, nhưng không thể bán cao so với giá đã ký được. Chúng tôi đang đau đầu tìm cách để làm sao dung hòa giá sản phẩm khi bán ra không tăng cao mà công ty cũng bớt chịu lỗ”, giám đốc một DN sản xuất đồ nhựa cho hay.
Ông Frederic Boillereau, Giám đốc toàn cầu Khối kinh doanh ngoại hối và hàng hóa, kiêm Giám đốc toàn cầu Khối các dịch vụ ngoại hối và quan hệ khách hàng tại HSBC, cho hay: Công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá đóng vai trò quan trọng với nhiều DN Việt Nam, song các DN khá thờ ơ với công cụ bảo hiểm này. Lý do là lâu nay DN quen sử dụng đồng USD trong giao thương quốc tế, hơn nữa chính sách tỷ giá của Chính phủ duy trì ổn định nên DN không muốn mất thêm chi phí cho dịch vụ này. Hiện nay, trong xu thế đẩy mạnh đầu tư, tập trung cho xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế mở rộng, các DN phải có công cụ tự bảo vệ mình trước biến động của tỷ giá.
Những DN càng có khoản vay ngoại tệ lớn càng lỗ nặng khi tỷ giá tăng cao |
Đưa số hóa vào quản trị rủi ro
Trong một cuộc khảo sát do HSBC và FT Remark thực hiện với 200 giám đốc tài chính (CFO) và gần 300 chuyên viên quản lý nguồn vốn của các công ty lớn mới đây cho thấy hơn một nửa các CFO tin rằng rủi ro biến động tỷ giá là loại rủi ro mà DN ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất. Những quan ngại này phản ánh mức độ biến động ngày càng tăng của các loại tiền tệ trong bối cảnh triển vọng về địa chính trị và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.
Kết quả khảo sát cho thấy, 60% các CFO cho rằng môi trường lãi suất thay đổi tại nhiều quốc gia cũng tác động lên lợi nhuận của DN họ, 70% các CFO tại châu Mỹ cho rằng công ty của họ bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng.
Trong khi 73% các CFO cho rằng vai trò quản lý rủi ro của các chuyên viên quản lý nguồn vốn trong công ty ngày càng tăng, 57% không hoàn toàn tin tưởng rằng các chuyên viên quản lý nguồn vốn của họ có những kỹ năng cần thiết để đảm nhận vai trò mới này. 53% cho rằng những thay đổi về tỷ giá sẽ có ảnh hưởng thực tế lên chiến lược quản lý rủi ro của họ trong vòng ba năm tới.
Ngoài ra, 57% các chuyên viên quản lý nguồn vốn muốn tăng cường chuyên môn quản lý rủi ro trong bộ phận của họ, chỉ có khoảng 32% các CFO tăng cường nguồn lực cho các chuyên viên của họ trong vòng hai năm qua.
Kết quả khảo sát cho thấy 59% các chuyên viên quản lý nguồn vốn cho rằng số hóa được kỳ vọng có tác động đáng kể lên chiến lược quản lý rủi ro trong ba năm tới và 57% cho rằng số hóa là lĩnh vực họ mong muốn trang bị cho bộ phận của họ nhằm nâng cao năng lực.
Ông Rahul Badhwar, Giám đốc toàn cầu Khối dịch vụ ngoại hối và quan hệ khách hàng, phụ trách Khối khách hàng DN tại HSBC, cho biết: “Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các DN thực hiện các nguyện vọng quản lý rủi ro hiệu quả thông qua việc cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro tích hợp; phát triển các công cụ kỹ thuật số mới; và cung cấp thông tin chiến lược chuyên sâu được hỗ trợ bởi các thông tin kiến thức sẵn có trên toàn cầu và tại thị trường trong nước”.
Huyền Anh