Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi của dân cư tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 2,8%. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng thời gian qua vẫn tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Theo Bộ Tài chính, 7 tháng năm 2024, đã có 183 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị huy động lên tới 174.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,78 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành lên tới 136.500 tỷ đồng, chiếm 68,2% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.
Với tỷ trọng phát hành chiếm ưu thế, đặc biệt là những đợt phát hành với lãi suất hấp dẫn, trái phiếu ngân hàng đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, giữ vai trò dẫn dắt trên thị trường. Không chỉ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư mà trái phiếu còn trở thành công cụ chiến lược giúp các ngân hàng củng cố nguồn vốn và đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tài chính.
Ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành lên tới 136.500 tỷ đồng, chiếm 68,2% tổng giá trị phát hành trái phiếu toàn thị trường. |
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thống kê của FiinRatings cũng ghi nhận sự sôi động, đặc biệt là thị trường thứ cấp với thanh khoản bình quân từ đầu năm 2024 đạt 4.300 tỷ đồng/ngày. Phần lớn các giao dịch trái phiếu là của ngân hàng, chiếm 50,36%, tập trung vào các kỳ hạn còn lại từ 1-3 năm. Sự sôi động này phần nào được thúc đẩy bởi hoạt động mua lại trước hạn trái phiếu, giúp các ngân hàng tối ưu hóa cơ cấu kỳ hạn và lãi suất, đồng thời giảm áp lực dư nợ trái phiếu.
Tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng phát hành giá trị phát hành lớn nhất bao gồm: ACB (23.800 tỷ đồng), MB (23.300 tỷ đồng), Techcombank (17.000 tỷ đồng). Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường tiếp tục ghi nhận các đợt phát hành đáng chú ý đến từ nhóm ngân hàng như: Agribank đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,7%; OCB phát hành lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 36 tháng, lãi suất 5,6%; MB với 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,5%,…
Mới đây nhất, BVBank đã chào bán trái phiếu ra công chúng với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm. HDBank cũng ghi nhận các đợt phát hành trái phiếu với mức lãi suất 7,47-7,8%/năm, kỳ hạn 7-8 năm; Nam A Bank trả lãi suất lên tới 7,7%/năm cho các lô trái phiếu phát hành trong năm nay.
Theo nhận định các chuyên gia, trái phiếu ngân hàng và gửi tiết kiệm tương tự nhau vì bản chất đều là cho ngân hàng vay tiền và ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó. Việc nhận tiền khi đáo hạn cũng tương tự rút tiền từ tài khoản tiết kiệm sau khi hết hạn gửi. Trái phiếu ngân hàng là một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả nếu so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư có xu hướng mua trái phiếu ngân hàng hơn gửi tiết kiệm là do lãi suất trái phiếu cao hơn. Hiện, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 4,8%/năm; của các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 5 - 5,5%/năm.
Theo báo cáo của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngân hàng và lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 2-2,5%, tùy theo kỳ hạn. Lãi suất trái phiếu ngân hàng trong năm 2024 dao động từ 6-7%/năm cho các kỳ hạn 5-10 năm. Trên thực tế, một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất hấp dẫn lên tới gần 8%/năm.
Đánh giá từ Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho thấy bên cạnh yếu tố lãi suất, nguyên nhân của sự bùng nổ này xuất phát từ nhu cầu tăng cường vốn trung và dài hạn của các ngân hàng, nhằm đáp ứng các quy định khắt khe hơn về an toàn vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Từ cuối năm 2023, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước đây.
Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cũng được yêu cầu giảm xuống dưới 85%. Trong khi đó, huy động tiền gửi chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Điều này khiến các ngân hàng phải tìm kiếm nguồn vốn bổ sung thông qua việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu kỳ hạn dài.
Ở góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, không quá khó hiểu khi trái phiếu ngân hàng đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường trong thời gian qua. Bởi vốn dĩ hai đối tượng huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong vài năm gần đây là ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản giai đoạn vừa qua rơi vào khó khăn, niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Đây là lý do chính khiến hầu như chỉ có ngân hàng phát hành được trái phiếu doanh nghiệp.
"Xét một cách toàn diện, trái phiếu ngân hàng vẫn rất thu hút nhà đầu tư cũng bởi lãi suất tiền gửi hiện tại vẫn ở mức thấp, mặc dù thời gian qua có rục rịch tăng thêm. Hơn nữa, một số kênh đầu tư không tỏ ra quá hấp dẫn, chẳng hạn như bất động sản chưa phục hồi, chứng khoán từ đầu năm đến nay dao động khá bất ổn... Do đó, dòng tiền vẫn tìm về với lĩnh vực ngân hàng. Chưa kể, các ngân hàng luôn có được niềm tin cao hơn so với các doanh nghiệp khác nhờ vào mức tăng trưởng lợi nhuận tương đối tốt trong 6 tháng đầu năm", TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.
Dự báo từ Trung tâm nghiên cứu Công ty cổ phần chứng khoán (MBS Research) cho thấy, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn sôi động hơn trong quý IV/2024 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp hồi phục, thị trường bất động sản khởi sắc và nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh tăng cao theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Theo VIS Rating, trong 1-3 năm tới, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần huy động khoảng 283.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu để tăng vốn cấp 2, nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn. Đáng chú ý, các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, SHB, ACB, LPBank đã lên kế hoạch phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu từ nay đến cuối năm.
Thanh Hoa