Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD, như năm 2021 là 12,5 tỷ USD. Còn nếu theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây, Việt Nam nhận 17-18 tỷ USD kiều hối/năm.
Lượng kiều hối chuyển về nước ngày càng gia tăng bất chấp lãi suất của các nước ở mức cao hơn so với lãi suất ngoại tệ tại Việt Nam. Theo dự báo của WB, kiều hối năm 2023 gửi về Việt Nam có thể đạt 14 - 15 tỷ USD.
Theo dự báo của WB, kiều hối năm 2023 gửi về Việt Nam có thể đạt 14 - 15 tỷ USD. |
Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh với khoảng 5,3 triệu người và 83% là ở các nước phát triển. Lượng kiều hối về Việt Nam thường xuyên đạt trên 10 tỷ USD/năm kể từ năm 2010 đến nay.
Hàng năm, lượng kiều hối đổ về riêng TP HCM chiếm hơn một nửa kiều hối của cả nước. Thống kê của NHNN Chi nhánh TP HCM cho thấy, tổng lượng kiều hối chuyển về thành phố qua hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ giai đoạn 2012-2022 ước đạt 56 tỷ USD. Riêng giai đoạn 2020-2022, kiều hối về TP HCM đạt trung bình 6-7 tỷ USD/năm.
Năm 2023, từ tháng 1-9, lượng kiều hối về TP HCM đạt 6,687 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 101,3% so với cả năm 2022. Thông thường các năm, lượng kiều hối sẽ tăng tốc mạnh vào quý IV, nhất là thời điểm Giáng sinh, đầu năm mới. Chính vì vậy, khả năng lượng kiều hối về TP HCM năm nay sẽ xác lập mức cao mới.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM thông tin: "Lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng kiều hối chuyển về thành phố, chiếm 53,1% và tăng 19,8% so với quý trước".
Ông Lệnh phân tích, với sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của khu vực châu Á hiện nay, cùng với quan hệ kinh tế, văn hóa và hợp tác lao động ngày càng phát triển và mở rộng… là yếu tố tác động trực tiếp đến tăng trưởng kiều hối trong thời gian qua và sắp tới. Và đây tiếp tục là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và thành phố nói riêng, tạo điều kiện cho người dân, người nhận kiều hối cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời kích thích thị trường lao động phát triển.
Ngoài ra, trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lãi suất tăng như ở Mỹ đã lên trên 5%/năm,lạm phát tại một số quốc gia cao… gây áp lực nhất định đến tỷ giá, kiều hối tăng sẽ góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá...
Dù chưa có một cuộc khảo sát toàn diện nào về việc dòng tiền kiều hối sẽ chảy vào đâu, nhưng các chuyên gia tin rằng trong bối cảnh những biến động về chính trị và kinh tế trên thế giới, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển và nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Do đó, dòng kiều hối chảy về Việt Nam đã có sự dịch chuyển mục đích sử dụng.
Kiều hối giúp người thân có xu hướng giảm, thay vào đó, kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản... nhộn nhịp hơn. Đây là những khoản tiền nhàn rỗi nên họ mong được đầu tư và có hiệu quả cao nhất có thể mua nhà tại Việt Nam hay đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh, thay vì gửi tiết kiệm với lãi suất hiện nay xuống thấp, nên chuyển tiền về gửi tiết kiệm không có lợi.
“Lãi suất tiền đồng đang xuống thấp, trong khi Việt Nam có sự ổn định về chính trị, kinh tế, do đó kiều bào và người lao động ở nước ngoài có xu hướng chuyển tiền về nước để đầu tư, sản xuất kinh doanh là chủ yếu”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với VnBusiness.
Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học và Công nghệ - Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, cho biết hiện có khoảng 350.000 người Úc gốc Việt sinh sống và làm việc ở đây. Phần lớn trong số này có trình độ cao, là trí thức làm việc tại các trường đại học, doanh nghiệp lớn. Do đó, nguồn lực từ kiều bào ở Úc là rất lớn và có thể huy động gửi về quê hương để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. "Nhiều kiều bào Úc muốn sở hữu bất động sản tại quê nhà hoặc đầu tư vào các dự án bất động sản ở Việt Nam”, ông Khôi cho hay.
Cùng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP HCM, tin rằng với thị trường bất động sản hiện nay đang ở mức giá thấp, dễ mua và đây cũng là kênh đầu tư mà kiều bào thường hướng đến từ nhiều năm nay. Thêm vào đó, nhu cầu kinh doanh hay hỗ trợ người thân kinh doanh trong nước cũng tăng lên cũng thu hút dòng tiền này về nước.
Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có các chính sách thu hút nguồn lực "vàng" kiều hối như: phát triển, hoàn thiện hệ thống mạng lưới và dịch vụ chi trả ngoại tệ theo hướng tiện ích, nhanh chóng và an toàn. Cùng với đó, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách ổn định…
Theo khảo sát của VnBusines, thời điểm này, các ngân hàng cũng đang dồn dập tung ra các chương trình khuyến mại nhằm hút kiều hối. Chẳng hạn, MSB có chương trình "Nhận tiền kiều hối – Kết nối tình thân" là một trong những chương trình tri ân lớn của MSB với nhiều ưu đãi vượt trội áp dụng cho khách hàng nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam qua tài khoản của MSB như miễn 100% phí ghi có và cộng thêm 0.3%/lãi suất tiết kiệm VND dành tặng khách hàng sử dụng dịch vụ Nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
Tương tự, Agribank cũng có chương trình khuyến mại thường niên vào dịp cuối năm nhằm hút kiều hối. Theo đó, trong thời gian triển khai chương trình, tất cả khách hàng là cá nhân nhận tiền và chuyển tiền dịch vụ Western Union tại quầy giao dịch của Agribank sẽ được nhận một phần quà tặng bằng tiền mặt trị giá 100.000 VND, tổng giá trị giải thưởng chương trình 1,4 tỷ đồng với 14.000 phần quà tặng.
Huyền Anh