Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, dự kiến NHNN sẽ gửi thông báo đấu thầu vàng miếng đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp vào ngày mai, và ngày kia (tức 17/4) sẽ thực hiện đấu thầu.
Theo thông tin ban đầu thì vàng được NHNN đem ra đấu thầu là vàng miếng SJC. Nguyên tắc trúng thầu là từ cao xuống thấp. Việc cung vàng miếng thông qua đấu thấu này được cho là công cụ hữu hiệu để giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế mà Thủ tướng đã chỉ đạo.
NHNN cho biết, sẽ gửi thông báo đấu thầu trước 1 ngày tổ chức đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.
Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua; 1 tiếng sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổ chức đầu thầu vàng miếng vào ngày 17/4 tới. |
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Mục tiêu đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.
So với các năm trước thì nhu cầu vàng đã nguội dần (nhu cầu vàng của thị trường các năm trước là khoảng 80 tấn/năm). Sau các phiên đấu thầu vàng của NHNN, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, qua 76 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng. Cùng với việc siết lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng, NHNN đã tổ chức lại cơ bản hoạt động thị trường vàng, chấm dứt các cơn sốt nóng, sốt lạnh gây ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá của vàng, góp phần ổn định vĩ mô, chống lạm phát.
Theo ghi nhận của VnBusiness, lúc 14h50 ngày 14/4/2024, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 82,4 triệu đồng/lượng mua vào và 84,6 triệu đồng/lượng bán ra,
Như vậy, giá vàng miếng trong nước đã hạ nhiệt so với chốt phiên giao dịch tuần qua. Trước đó, vào ngày 12/4/2024, giá vàng trong nước đã cán mốc 85 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia nhận định, việc NHNN có những động thái trên sẽ khiến giá vàng miếng trong nước nhanh chóng hạ nhiệt, sau thời gian dài tăng dữ dội, liên tục xô đổ các kỷ lục lịch sử. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn sẽ tăng nếu giá vàng thế giới tăng và ngược lại. Vì giá vàng thế giới ảnh hưởng khoảng 80% đến giá vàng trong nước. Còn lại là các yếu tố khác như chính sách, đặc thù thị trường, tâm lý thị trường...
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Thanh Hoa