Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá và lãi suất: quỹ dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, vốn FDI chủ yếu đến từ nhà đầu tư châu Á và vẫn đang tăng trưởng tốt, kiều hối tăng đều đặn, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư…
Áp lực lên đồng VND bắt đầu xuất hiện
Trong bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 21 - 25/2 của các chuyên gia tại công ty chứng khoán SSI vừa phát hành, cho biết tâm điểm thị trường tài chính toàn cầu xoay quanh xung đột giữa Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Chính phủ các nước. Thị trường tài chính của nhiều quốc gia rơi vào vào trạng thái hoảng loạn, trước khi hồi phục lại phần nào vào phiên giao dịch cuối tuần qua.
Áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế. |
Đáng lưu ý, đồng USD đo lường bằng chỉ số DXY tăng 0,6% trong khi các đồng tiền chủ chốt khác đều mất giá như EUR giảm -0,5%, GBP -1,3%,… Đồng RUB của Nga giảm tới 7,3% trong tuần qua, và các đồng tiền mới nổi khác đều mất giá so với USD. Ngược lại, CNY tăng nhẹ 0,1% trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ gia tăng giao thương với Nga.
Tại thị trường trong nước, VND có xu hướng giao dịch trái chiều ở các thị trường. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giao dịch ổn định quanh mức 22.830/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng mạnh 140 điểm, kết tuần ở mức 22.810 đồng/23.120 đồng/USD.
Trái ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do không có nhiều biến động mạnh trong tuần và giao dịch ở 23.430/23.500 đồng/USD. "Áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục do cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua", các chuyên gia SSI nhận định.
Theo khảo sát của VnBusiness, bước sang tháng 3, trong khi tỷ giá USD tại các ngân hàng giảm thì thị trường tự do chốt phiên giao dịch ngày 1/3 tăng 30 đồng cả hai chiều mua và bán, được giao dịch ở mức 23.480 - 23.530 VND/USD.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định: cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục. Điều này sẽ giúp đồng VND duy trì được sức mạnh của mình.
Cũng theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, trong nước, do nguồn cung đảm bảo, chỉ số giá USD tháng 02/2022 giảm 0,28% so với tháng trước; giảm 0,59% so với tháng 12/2021; giảm 0,84% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giảm 0,79%.
Vẫn còn "van" điều tiết
Theo ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, theo nguyên tắc, lãi suất tăng sẽ đưa đồng tiền đó tăng giá. Ở đây, nếu USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến đà tăng giá của VND. Nhưng cần lưu ý "lượng" đổi đạt ngưỡng mới làm thay đổi "chất", tức Mỹ tăng lãi suất bao nhiêu mới làm giá USD trên thế giới tăng.
Có rất nhiều dự đoán về số lần điều chỉnh lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) năm nay, sốc nhất là JPMorgan dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 9 lần trong năm nay. Nếu khả năng này xảy ra, kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khó tránh khỏi ảnh hưởng. Trong đó, các rủi ro được tính đến nhiều nhất là tỷ giá tăng, vốn FDI tháo chạy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ, lãi suất tăng…
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, việc Fed tăng suất sẽ khiến đồng bạc xanh lên giá so với các đồng tiền khác. VND neo giá theo USD (không tăng giá so với USD để tránh bị Mỹ quy kết thao túng tiền tệ), nhưng lại tăng giá so với nhiều đồng tiền khác như nhân dân tệ (Trung Quốc), baht (Thái Lan), won (Hàn Quốc)..., khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ngoài Mỹ đắt lên tương đối. Bên cạnh đó, lãi suất USD tăng cũng gây áp lực tăng lãi suất lên Việt Nam.
Đồng tình, nhiều ý kiến khác cho rằng, sẽ có áp lực lên VND trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn có van điều tiết, đó là Ngân hàng Nhà nước. Nơi này sẽ can thiệp vào thị trường sao cho lãi suất VND ở mức tối ưu, phù hợp với lạm phát và nhu cầu vốn.
Nếu kiểm soát lạm phát tốt, lãi suất VND có tăng nhưng không nhiều. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm kiểm soát lạm phát nên lãi suất VND không biến động lớn. Chưa kể thế giới cũng tìm cách ổn định giá xăng dầu, cước vận chuyển. Nhưng dù thế nào, chênh lệch lãi suất VND và USD vẫn đủ hấp dẫn để người dân giữ VND.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp tình hình thị trường trong, ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Huyền Anh