Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 28/6 (giờ Việt Nam), trên sàn Kitco, vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.822 USD/ounce; giảm 4,4 USD/ounce so với đầu giờ sáng hôm qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 5,5 USD/ounce xuống còn 1.824,8 USD/ounce.
Đêm qua, có thời điểm vàng đã giảm 15 USD/ounce xuống còn 1.825,70 USD/ounce, sau khi dữ liệu về doanh số bán nhà đang chờ xử lý của Mỹ được công bố. Theo Hiệp hội môi giới quốc gia Mỹ (NAR), doanh số bán nhà đang chờ xử lý của Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 5 sau khi điều chỉnh giảm 4% vào tháng 4. Mức tăng này cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế là giảm 3,7%.
Giá vàng trong nước vẫn duy trì chênh lệch với thế giới hơn 17 triệu đồng/lượng. |
Trong một thông tin khác đáng chú ý, nhóm G7 sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, gồm cả việc cấm nhập khẩu vàng của Nga.
Các báo cáo của phương Tây cho biết, Nga đã không trả được nợ bằng ngoại tệ dù có tiền mặt để thanh toán. Hiện các cơ quan xếp hạng cũng không có tuyên bố nào liên quan đến việc vỡ nợ vì các lệnh trừng phạt đã khiến các đơn vị này rút lại việc xếp hạng đối với Nga.
Giới phân tích cho rằng, điều này có thể có tác động đáng kể đến thị trường vàng vì Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới, với khoảng 10% thị phần sản lượng toàn cầu.
Trong nước, đầu giờ sáng hôm nay (28/6), giá vàng biến động trái chiều khi các cơ sở kinh doanh điều chỉnh nhẹ hoặc giữ nguyên mức giao dịch của ngày trước đó. Hiện, giá vàng trong nước vẫn đang giao dịch quanh 68,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đều điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết 67,9 - 68,62 triệu đồng/lượng. Cùng mức điều chỉnh, tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC giao dịch ở mức 67,90 - 68,60 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI ở khu vực Hà Nội tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán, thu mua ở mức 67,85 - 68,6 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết 67,85 - 68,65 triệu đồng/lượng.
Cùng chiều, giá vàng tại Tập đoàn Phú Quý tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán, giao dịch ở mức 67,95 - 68,6 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 51,5 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí), chênh lệch với giá vàng trong nước vẫn hơn 17 triệu đồng/lượng.
Thời gian gần đây, khi giá vàng trong nước luôn duy trì khoảng cách quá xa (cao hơn khoảng trên 17 triệu đồng/lượng) so với giá vàng thế giới, vấn đề thay đổi cách quản lý thị trường vàng như hiện nay, để phù hợp với tình hình mới là một yêu cầu được đặt ra.
Câu hỏi “Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục cấm nhập vàng hay nên dỡ bỏ nghị định 24 tránh "vàng hóa" nền kinh tế?” được giới phân tích đem ra mổ xẻ. Kết quả, nhiều người cho rằng, việc ngay lúc này cho nhập khẩu vàng để kéo giảm giá vàng từ gần 70 triệu xuống còn 50 triệu đồng/lượng có thể lợi bất cập hại. Nếu giá vàng trong nước sát với thế giới sẽ có lợi cho người mua vàng sau này, nhưng như vậy người đã mua với giá cao trước đây chắc hẳn sẽ cảm thấy nhiều thiệt thòi.
Tuy nhiên, khi Chính phủ cho nhập khẩu vàng trở lại, thì nền kinh tế sẽ được gì? Một số ít người dân còn thói quen giữ vàng, nhưng với lạm phát và nền kinh tế như hiện nay, việc mua vàng cất giữ còn phù hợp như vài chục năm trước? Nền kinh tế Việt Nam phải tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, dùng ngoại tệ nhập vàng để người dân mua cất giữ có phải là biện pháp tốt…? Hơn nữa mục tiêu tránh "vàng hóa" nền kinh tế lúc đó sẽ ra sao? Đây đều là những câu hỏi chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Châu Giang