Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 4/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,13% xuống 1.923,2 USD/ounce, theo Kitco. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 4 tăng 0,04% lên 1.924,4 USD/ounce. Giá vàng biến động trái chiều trong khi đồng USD duy trì mạnh mẽ.
Giá vàng SJC đang giao dịch quanh mức 68 triệu đồng/lượng mua vào và 69 triệu đồng/lượng bán ra. (Ảnh: Int) |
Tại thời điểm khảo sát giá vàng thế giới, USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,01% lên 98,550 điểm.
Tỷ giá Euro so với USD giảm 0,03% xuống 1,1049. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,03% xuống 1,3108. Tỷ giá USD so với Yên Nhật đạt 122,47.
Theo Nasdaq, tỷ giá USD có xu hướng tăng nhẹ so với đồng Euro và bảng Anh, nhưng giảm nhẹ so vơi Yên Nhật. Tuần này, đồng bạc xanh được dự đoán tiếp tục phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ, châu Âu,... định hướng chính sách của các ngân hàng trung ương lớn cũng như diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tại Việt Nam, rạng sáng ngày 4/4, giá vàng đứng yên khi tất cả các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý giữ nguyên mức giao dịch của ngày Chủ nhật (3/4).
Cụ thể, Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,3 - 69,07 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang được mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI ở khu vực TP Hồ Chí Minh đang niêm yết mức 68,3 – 69,0 triệu đồng/lượng, ở khu vực Hà Nội niêm yết 68,25 - 68,95 triệu đồng/ lượng. Tương tự, Tập đoàn Phú Quý đang niêm yết 68,25 - 68,9 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, mặc dù các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước nhiều lần điều chỉnh giá lên, xuống nhưng nhìn chung giá vàng vẫn giao dịch lình xình từ đầu tuần, không có gì khởi sắc hơn so với tuần trước đó. Khép lại một tuần “buồn tẻ”, giá vàng trong nước giảm 550.000 đồng/lượng, giao dịch quanh mức 68 triệu đồng/lượng mua vào và 69 triệu đồng/lượng bán ra. Đây là mức giảm khá mạnh trong tuần. Nếu so với vùng đỉnh lịch sử (74,5 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 3), mỗi lượng vàng SJC đã "bốc hơi" tới 5,5 triệu đồng.
Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam ở mức 43 tấn, tăng trưởng tới 8%. Việt Nam chủ yếu là thị trường tiêu dùng, bán lẻ vàng, do đó các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng sẽ có tác động lớn nhất. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, bao gồm: tăng trưởng kinh tế, lạm phát và đối với nhiều người Việt, chống lạm phát là yếu tố chính để mua vàng.
Một số chuyên gia nhận định, việc giá vàng tăng bất thường thời gian qua có thể do một số doanh nghiệp bắt tay nâng giá vàng để hưởng lợi, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu vàng trên thị trường nội địa tăng cao, còn nguồn cung ngày càng hạn chế. Áp lực lạm phát cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng liên tục lập đỉnh. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn cung, độc quyền vàng SJC vẫn là lý do chính.
Trên thị trường tiền tệ trong nước, hôm nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng là 23.098 VND/USD, giảm 3 đồng so với phiên liền trước. Giá USD tại các ngân hàng thương mại giao dịch ở mức 22.670 VND/USD chiều mua vào và 23.980 VND/USD chiều bán ra.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD đang giao dịch ở mức 23.310 - 23.350 VND/USD.
Châu Giang