Cập nhật lúc 8h40’ ngày 3/8, các hệ thống kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng, đẩy giá vàng miếng SJC lùi về gần 68 triệu đồng/lượng.
Cùng chiều thế giới, giá vàng miếng SJC cũng có xu hướng giảm (Ảnh: Int) |
Cụ thể, Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng điều chỉnh giảm 200.000 đồng ở cả hai chiều, niêm yết 67,2 – 68,2 triệu đồng/lượng. Cùng mức điều chỉnh, tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang được mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn Phú Quý giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, niêm yết 67,2 – 68,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, niêm yết 67,15 – 68,15 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 3/8 (giờ Việt Nam), theo Kitco, vàng giao ngay giảm xuống 1.758,3 USD/ounceso, giảm 13,7 USD/ounce so với đầu giờ sáng hôm qua.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương gần 49,8 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí), chênh lệch với giá vàng trong nước khoảng 18,4 triệu đồng/lượng.
Đêm qua, có thời điểm giá vàng thế giới tăng lên 1.805 USD/ounce - mức giá cao nhất trong 1 tháng, do giới đầu cơ lo ngại căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung Quốc đang gia tăng, nhiều người lo ngại rủi ro có thể xảy ra trên thị trường tài chính, một số nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chìm trong sắc đỏ. Đồng thời, nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng gia tăng.
Tuy nhiên, ngay sau khi các quan chức Fed tiết lộ về việc cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành thêm nhiều đợt tăng lãi suất trong thời gian tới, trước mắt là sẽ tăng thêm lãi suất cơ bản 0,5 điểm trong cuộc họp tháng 9 tới đây, khiến đồng USD đảo chiều tăng so với các loại tiền tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,90%, đạt mốc 106,35. Phản ứng trước tình hình đó, giới đầu cơ lo ngại giá vàng không thể tăng nên đã mạnh tay bán tháo thu về lợi nhuận, làm cho giá kim loại quý này không giữ được đà tăng và quay đầu giảm.
Nhìn chung, những phiên gần đây, mặc dù giá vàng thế giới bật tăng khá mạnh nhưng độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục duy trì khá xa, khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Giới phân tích chỉ ra 2 nguyên nhân: thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới; giá vàng trong nước bị tác động bởi tâm lý của nhà đầu tư, cộng thêm yếu tố phòng thủ của các công ty kinh doanh.
Vấn đề phát sinh từ Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012, với một số điểm không còn phù hợp, tạo ra một số điểm bất hợp lý trên thị trường vàng trong nước, nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường nhiều, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với thế giới. Từ năm 2014 tới nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường.
Theo thông tin từ Công ty SJC, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, có thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất vàng nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít, tạo khan hiếm.
Châu Giang