Khoảng 6 giờ ngày 30/9 (giờ Việt Nam), trên Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 2.663,10 USD/ounce, tăng 9,53 USD/ounce (+0,36%).
Giá vàng thế giới có xu hướng tăng trở lại sau một tuần giao dịch sôi động, đẩy giá kim loại quý tăng lên các mức cao kỷ lục mới.
Tuy nhiên, sang tuần này, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại rằng đà tăng của vàng thời gian qua là quá nhanh, đồng thời cảnh báo giá có thể quay về mốc 2.500 USD/ounce.
Trưởng phòng chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank cho rằng sức mua đã giảm và kim loại quý này cần một đợt điều chỉnh. Theo Hansen, giá có thể giảm 4-6% mà không làm tổn hại đến tâm lý tăng giá chung trên thị trường.
Ông dự báo ngưỡng hỗ trợ ban đầu là 2.670 USD/ounce và nếu ngưỡng này bị phá vỡ, mức tiếp theo cần theo dõi là 2.547 USD/ounce. Trường hợp xấu nhất, giá có thể giảm xuống ngưỡng 2.500 USD/ounce.
Giá vàng nhẫn chỉ còn cách giá vàng miếng 50.000 đồng ở chiều bán. |
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Alex Kuptsikevich của Tập đoàn FxPro cũng cho rằng giá vàng không có nhiều dư địa tăng và điều này làm tăng nguy cơ điều chỉnh.
“Về mặt kỹ thuật, vàng đã vượt qua mức 162% của đợt tăng giá kéo dài 2 năm kể từ tháng 8/2018. Khi giá đã di chuyển quá xa vào vùng giá cao, việc tìm kiếm mục tiêu tăng giá mới trở nên khó khăn hơn”, ông nói.
Đồng thời Kuptsikevich lưu ý rằng dữ liệu việc làm công bố tuần tới có thể gây ra một số rủi ro cho vàng.
Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn lạc quan khi dự báo động lực tăng giá của vàng vẫn còn.
Sự kiện tin tức kinh tế chính vào tuần này sẽ là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ, được công bố vào sáng thứ Sáu (4/10).
Các dữ liệu quan trọng khác bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của châu Âu được công bố vào thứ Ba (1/10); chỉ số nhà quản lý mua hàng dịch vụ Mỹ (PMI); báo cáo việc làm mở của JOLTS; báo cáo việc làm của ADP công bố vào thứ Tư (2/10) và báo cáo về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ công bố vào sáng thứ Năm (3/10).
Thị trường cũng sẽ lắng nghe kỹ những gì Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Thương mại Quốc gia (NABE) vào thứ Hai (30/9).
Trong nước, giá vàng cũng trải qua tuần biến động mạnh với các phiên liên tục đi lên, nhất là đối với vàng nhẫn. So với đầu tuần, giá vàng nhẫn cuối tuần tăng khoảng 2,2 triệu đồng/lượng và tiến sát với giá vàng miếng, hiện chỉ còn cách giá vàng miếng 50.000 đồng ở chiều bán.
Trong khi đó, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp vàng bạc đá quý lớn vẫn đi ngang do Ngân hàng Nhà nước hầu như không điều chỉnh giá bán.
Duy nhất 1 lần, vàng miếng được ghi nhận 1 phiên điều chỉnh với nhịp tăng 1,5 triệu đồng/lượng vào ngày 24/9 khi đạt mức 81,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 83,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra - vùng giá cao nhất của loại vàng này kể từ ngày 3/6 tới nay.
Lý giải cho cuộc rượt đuổi sát nút của vàng nhẫn, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính là do các đơn vị kinh doanh vàng có quy định giới hạn số lượng vàng bán ra, khiến người mua gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hàng. Nhiều nhà đầu tư nhận thấy, dù vàng miếng có lợi thế về giá và thường ít bị biến động theo xu hướng ngắn hạn, nhưng việc mua vào với số lượng lớn hiện nay là điều gần như không thể.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng miếng đã khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng nhẫn. Với việc bùng nổ về nhu cầu, trong khi nguồn cung thì ngày càng eo hẹp, giá vàng nhẫn đã không ngừng tăng cao thậm chí vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi giá vàng thế giới có dấu hiệu chững lại.
Châu Giang