Rạng sáng 3/11, không ngoài dự đoán của giới đầu tư cũng như lộ trình đã được vạch ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại một lần nữa mạnh tay điều chỉnh lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Theo nhận định của các chuyên gia, động thái này của Fed sẽ gây áp lực tới tỷ giá, làm cho mặt bằng lãi suất trong nước tại Việt Nam có xu hướng tăng lên.
Áp lực với tỷ giá luôn thường trực
Như vậy, từ đầu năm, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 6 lần. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 75 điểm cơ bản, trong các phiên họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) theo dõi 37 ngân hàng trung ương, lãi suất điều hành của 32/37 quốc gia đã vượt thời điểm khi Covid-19 được công nhận là đại dịch trên toàn cầu. Còn lại, 3 ngân hàng trung ương trở về/duy trì mức lãi suất trước đại dịch và chỉ có 2 ngân hàng trong nhóm theo dõi này là Trung Quốc và Malaysia chưa trở về mức cũ.
Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức kịch trần biên độ mới (mức 5%), tương ứng tăng 8,5% so với cuối năm ngoái. |
Từ đầu năm 2022, mặc dù Việt Nam vẫn có xuất khẩu ròng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dương, nhưng sức ép giảm giá đồng Việt Nam vẫn luôn thường trực. Hệ quả là sau thời gian dài giữ ổn định, vỏn vẹn hơn một tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mỗi lần điều chỉnh đều có bước tăng rất lớn (1 điểm phần trăm) vào ngày 23/9 và 17/10. Đồng thời, NHNN có động thái để bình ổn tỷ giá từ việc bán ngoại tệ đến tăng tỷ giá.
Mặc dù có nhiều động thái ổn định thị trường, song tỷ giá USD/VND vẫn bật tăng mạnh từ cuối tháng 9/2022. Tại Vietcombank, tỷ giá USD mua chuyển khoản đến cuối quý III đã tăng 4,81% so với đầu năm, trong khi nửa đầu năm mới tăng 2,19%. Cập nhật đến ngày 31/10, tỷ giá đã tăng 8,65%. Dẫu vậy, so với với một số đồng tiền khác như Yên Nhật (JPY), Euro hay Nhân dân tệ (CNY), VND đến nay đã không còn lên giá mạnh như trước.
Quay trở lại với động thái tăng lãi suất của Fed ngày 3/11, theo dõi trên thị trường tiền tệ, tỷ giá từ đầu tuần đến nay vẫn ổn định, trái ngược với đà tăng trong tuần trước. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức kịch trần biên độ mới (mức 5%), tương ứng tăng 8,5% so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng ghi nhận ở gần mức giá bán của NHNN (khoảng 23.870 đồng/USD), tỷ giá trên thị trường tự do duy trì trên mức 25.000 đồng/USD.
Trong tuần trước, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng được đánh giá là có cải thiện. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cũng tăng nhẹ khoảng 15 điểm cơ bản, lên 4,79%/năm. NHNN đã bơm ròng 46.600 tỷ đồng qua hoạt động thị trường mở.
"Chia lửa" giữa 2 chính sách
Việc USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Theo các chuyên gia, bối cảnh hiện nay phải phối hợp chính sách tiền tệ với tài khoá, ứng phó linh hoạt với nguy cơ lạm phát và suy thoái trên toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường cho rằng, chính sách tài khoá cần chung sức, chung vai nhiều hơn với chính sách tiền tệ. Hiện, sức ép lên hệ thống ngân hàng rất lớn, trong khi nhiều nguồn lực chưa được khơi thông như chính sách tài khoá và giải ngân đầu tư công của Việt Nam còn dư địa rất nhiều.
Theo ông Cường, chỉ vì chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả mà không phát huy được tác dụng của các chính sách tài khóa, từ đó dẫn đến áp lực dồn hết lên chính sách tiền tệ, tạo ra sự không lành mạnh trong hệ thống tài chính và rủi ro về chính sách.
Các nhà phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tỷ giá - lãi suất đang là một vòng xoáy. NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5-1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm, vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá. Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10-15% trong năm 2022.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sức ép tăng lãi suất đang rất lớn. Dù NHNN đã nới biên độ tỷ giá nhằm góp phần giảm áp lực tăng lãi suất, song từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay.
Trong khi đó, Khối Phân tích của SSI nhận định, áp lực trả nợ nước ngoài của Việt Nam hiện chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động tỷ giá, do việc tăng giá của USD so với VND đã được bù đắp bởi sự yếu đi tương đối của Euro và Yên Nhật so với đồng nội tệ. Tuy nhiên, ở cấp độ vi mô, nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động kép bởi biến động tỷ giá và lãi suất.
Huyền Anh