Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được 3 tỷ USD vào dữ trữ ngoại hối (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Theo VinaCapital, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 3 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối (sau khi mua khoảng 20 tỷ USD trong 2019), giúp cho dự trữ ngoại hối tăng lên 83 tỷ USD.
“Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại đạt 32% GDP, gần bằng với tỷ lệ 33% GDP của Trung Quốc đã tích luỹ được ngay trước khi đồng Nhân dân tệ bắt đầu lên giá, ước tính Nhân dân tệ đã tăng giá trị khoảng 25%”, VinaCapital nhấn mạnh.
Tính đến giữa tháng 3/2020, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD so với đầu năm, bao gồm gần 900 triệu USD thặng dư của 2 tuần đầu tháng 3, do xuất khẩu tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi của Việt Nam đang rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực, và tiếp tục hấp dẫn hơn khi các ngân hàng trung ương khu vực cắt giảm lãi suất. Dù rằng tuần trước, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng trong nước đã giảm 0,25 điểm % với kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,75%, nhưng người gửi tiền có thể nhận được lãi suất tới 7-8% với kỳ hạn trên 6 tháng tại các ngân hàng uy tín.
Tuy nhiên, cũng có lo ngại cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực bán chứng khoán tuần qua, gây lo ngại về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể hạn chế đồng USD “chảy” khỏi đất nước, làm cho VND giảm giá.
Theo VinaCapital, NHNN không có bất kỳ động thái nào về hạn chế đồng USD chuyển về nước của các nhà đầu tư ngoại và NHNN có đủ dự trữ ngoại hối để đáp ứng một cách dễ dàng.
"Lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại lớn hơn rất nhiều so với khoảng 30 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam, và phần lớn dòng vốn FII này chảy vào cổ phiếu có thanh khoản yếu và/hoặc vào những cổ phần chiến lược tại những công ty niêm yết – cả hai trường hợp này đều khó bán nhanh", VinaCapital cho hay.
Do đó, NHNN có nhiều dự trữ để đáp ứng bất kỳ một sự bán tháo hoảng loạn nào trong ngắn hạn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã bán khoảng 260 triệu USD chứng khoán tuần trước và vài nhà đầu tư đã chuyển tiền về nước để đối phó với sự thiếu hụt USD tạm thời toàn cầu hiện nay, tình trạng này không giống cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây (năm 2008) khi nhà đầu tư ngoại bán chứng khoán Việt nhưng vẫn giữ tiền tại Việt Nam.
VinaCapital cho rằng NHNN vẫn tiếp tục chính sách cho phép các quỹ đầu tư được tự do ra – vào trong điều kiện thị trường đầy biến động hiện nay, điều này sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam trong tương lai.
Hơn nữa, kể từ khi Việt Nam không còn là điểm đến của dòng “tiền nóng” - dòng tiền đã gây mất ổn định kinh tế của các con hổ châu Á trong quá khứ - năm 1997 (ví dụ, tỷ lệ sở hữu trái phiếu Chính phủ Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài rất thấp, không giống như Indonesia), nhưng NHNN Việt Nam đã có vị thế rất tốt khi đáp ứng bất kỳ sự bán tháo hoảng loạn ngắn hạn tiềm ẩn nào của nhà đầu tư nước ngoài.
Hoàng Hà