Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng mức tăng này không đáng ngại. Với mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang theo dõi sát diễn biến tỷ giá, trong trường hợp cần thiết có đủ dư địa để can thiệp thị trường.
Giá USD bật tăng mạnh
Cuối ngày 22/6, giá USD tự do chạm mốc 23.100 đồng/USD, giá USD tại các ngân hàng cũng bật tăng lên mức 22.900 đồng. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 22.620 đồng (giảm 2 đồng so với phiên giao dịch hôm trước).
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN trong ngày 22/6 là 22.700 đồng (mua vào) và 23.279 đồng (bán ra). So với phiên giao dịch ngày 21/6, chiều mua vào giữ nguyên nhưng bán ra lại tăng 3 đồng.
Như vậy, so với cuối tuần trước, giá USD đã tăng thêm 100 đồng/USD.
Cụ thể, tính đến 16h ngày 22/6, giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội giao dịch phổ biến ở mức 23.070 đồng (mua vào) và 23.110 đồng (bán ra).
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD liên tục biến động trong ngày. Phiên giao dịch buổi sáng, Vietcombank báo giá USD ở mức 22.860 đồng (mua vào) và 22.930 đồng (bán ra), tăng 30 đồng so với sáng hôm trước. Nhưng đến 16h, giảm nhẹ cả chiều mua vào-bán ra, lần lượt là 22.830 đồng và 22.900 đồng.
Eximbank niêm yết giá USD vào lúc 8h ở các mức tương ứng lần lượt là 22.830 đồng và 22.920 đồng. Chốt phiên giao dịch trong ngày, giá bán USD giảm nhẹ cả chiều mua vào và bán ra, lần lượt là 22.820 đồng và 22.910 đồng.
Sau khi bật tăng cao, phiên giao dịch hai ngày qua, tỷ giá USD/VND biến động nhẹ. Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố tác động lên tỷ giá như: nhu cầu ngoại tệ tăng từ phía khách hàng, yếu tố tâm lý khi Mỹ nâng lãi suất cơ bản vừa qua, cộng thêm thông tin về căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc gần đây.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, một số ngân hàng có tín dụng ngoại tệ tăng cao trong những tháng đầu năm 2018. Quý I/2018, cho vay bằng USD của BIDV tăng 4,01%; của ACB tăng 8,19% và của LienVietPostBank tăng 17,08% so với cuối năm 2017.
Nguyên nhân là chính sách cho vay USD đối với doanh nghiệp (DN) có nguồn thu ngoại tệ được gia hạn và mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD khoảng 4%/năm có lợi cho DN khi vay ngoại tệ.
So với cuối tuần trước, giá USD đã tăng thêm 100 đồng/USD |
Có đáng lo?
Đánh giá về nhu cầu tín dụng ngoại tệ tăng cao, một lãnh đạo ngân hàng thương mại khẳng định cầu ngoại tệ tăng không đột biến, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, mọi nhu cầu về ngoại tệ hợp pháp của người dân, DN đều được đáp ứng.
Riêng về diễn biến tăng khá mạnh của đồng USD trong ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do những ngày qua, vị lãnh đạo này cho rằng chưa có bất thường nên không đáng lo. "Tỷ giá tăng có lợi cho DN xuất khẩu, trong khi DN nhập khẩu hàng hóa cần lưu ý để cân nhắc, chủ động nguồn ngoại tệ", vị này nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết NHNN đang theo dõi sát diễn biến tỷ giá để có điều hành kịp thời.
Theo dõi thị trường có thể thấy, ngay từ thời điểm tỷ giá có dấu hiệu tăng từ đầu tháng 6, NHNN đã điều tiết thị trường ở nghiệp vụ thị trường mở khi liên tiếp chào thầu lượng lớn tín phiếu.
Chẳng hạn, từ ngày 11-15/6, NHNN đã bơm ròng 30.950 tỷ đồng, mức lớn nhất kể từ cuối tháng 4 và là tuần thứ ba bơm ròng liên tiếp. Thông qua nghiệp vụ outright (giao dịch giao ngay), NHNN đã phát hành 3.000 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất 1,2%, trong khi có 33.950 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và không phát sinh nghiệp vụ repo (giao dịch mua bán lại). Bên cạnh đó, việc bơm ròng ba tuần liên tiếp cho thấy thanh khoản trên thị trường đang eo hẹp.
Ngoài ra, NHNN cũng mở rộng các kỳ hạn để hút bớt tiền về. Lượng hút về khá lớn, với số dư tín phiếu lưu hành tăng khoảng gấp ba lần trước đó, lên tới hơn 120.000 tỷ đồng tính đến phiên 20/6.
Giới chuyên gia cho rằng chuyển động của dòng tiền lớn ra thị trường dẫn lãi suất liên ngân hàng giảm cũng là một trong những yếu tố kích thích tỷ giá USD/VND biến động.
Dữ liệu của NFSC cho thấy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần 2 của tháng 6 giảm nhẹ so với tuần trước ở các kỳ hạn dài. Tính đến ngày 8/6, lãi suất qua đêm ở mức 1,7%, lãi suất 1 tuần là 1,7% và lãi suất 1 tháng là 2,1%. Như vậy, lãi suất qua đêm giữ nguyên trong khi lãi suất 1 tuần và 1 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với thời điểm một tuần trước đó.
Lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định, với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt như hiện nay của NHNN, cộng thêm dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức cao kỷ lục với khoảng 63-64 tỷ USD, NHNN có đủ dư địa để can thiệp thị trường ngoại hối trong trường hợp cần thiết.
Huyền Anh