NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường
Theo ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:
“Việc NHNN nới rộng biên độ giao dịch USD/VND ngay ngày 12/8/2015, ngay sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá USD/CNY là hành động nhanh và gần như không có tiền lệ tại Việt Nam. Điều này cho thấy NHNN đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường. Việc nới rộng biên độ giao dịch USD/VND của NHNN là bước đi cần thiết để giúp thị trường ổn định.
Với lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% cộng với nới rộng biên độ giao dịch USD/VND thêm 1% vào sáng ngày 19/8, theo tôi nghĩ NHNN đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục. Động thái điều chỉnh mạnh mẽ này thể hiện NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường. Việc điều chỉnh lần này góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường, vốn là một bước đi nếu tiếp tục sẽ không mang tính bền vững.
Theo tôi, khi thị trường biến động, các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua bằng mọi giá vì sẽ tạo thêm biến động nữa. Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới.
Do đó, ngay khi thị trường ổn định trở lại các doanh nghiệp nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai.
NHNN ở một vị thế mới, chủ động đón đầu các diễn biến bất lợi
Tiến sĩ Kinh tế Phan Minh Ngọc: Cần nói ngay đây là một hành động quyết đoán và rất đáng hoan nghênh nữa của NHNN, mở rộng đường cho khả năng để tỷ giá VND tự điều chỉnh theo điều kiện thị trường không chỉ trong nước mà còn trên quốc tế. Đây cũng là một phản ứng chính sách tích cực của NHNN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây khi yêu cầu NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá.
Về tác động tích cực của những động thái linh hoạt này của NHNN, chúng ta đã nói đến nhiều, nên chỉ xin tóm tắt ở đây rằng VND yếu hơn đáng kể so với chính nó cách đây hơn 1 tuần sẽ góp phần hóa giải những tác động tiêu cực mang đến cho nền kinh tế Việt Nam từ sự phá giá của những quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Quan trọng hơn, sự nới lỏng tỷ giá VND không chỉ bằng việc nâng trần biến động quanh tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà còn điều chỉnh trực tiếp tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tạo ra cho NHNN ở một vị thế mới, phá bỏ mọi ràng buộc, hoàn toàn chủ động đón đầu các diễn biến bất lợi do các quốc gia khác mang đến. Cụ thể hơn, nếu mai kia Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ (CNY) và/hoặc FED có nâng lãi suất USD thì NHNN không còn ở thế bị động, lúng túng bởi một trói buộc nào đó nữa, mà họ đã biết sẽ phải làm gì, sẵn sàng có hành động đáp trả theo những kịch bản thích ứng.
Về tác động tiêu cực của các động thái phá giá VND nói trên, nhiều người cứ mang con "ngáo ộp" là lạm phát ra để cản trở việc phá giá VND. Nhưng, cũng như đã nói nhiều lần, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với tình hình giảm phát, với giá cả các loại hàng hóa đều trên xu hướng giảm sút mạnh, đặc biệt từ đầu năm nay, chủ yếu do nhu cầu sụt giảm, đặc biệt từ Trung Quốc. Sự giảm phát trên thế giới đã lan đến Việt Nam, làm cho lạm phát ở Việt Nam cũng đang ở mức thấp kỷ lục trong hàng thập kỷ nay. Trong bối cảnh này thì việc phá giá bản tệ nói chung trên thế giới, và Việt Nam nói riêng, chắc chắn sẽ không gây ra áp lực đáng kể lên lạm phát, ít nhất trong nhiều tháng tới.
Tỷ giá điều chỉnh nhanh gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), với động thái điều chỉnh này, không chỉ thể hiện NHNN kịp thời đi trước một bước, mà còn chủ động tạo cơ hội cho DN xuất khẩu cạnh tranh thời điểm cuối năm.
Việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thêm 1% và nới rộng biên độ giao dịch lên +/-3% ngày 19/8 đã làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là đối với ngành thủy, hải sản. Bởi đặc thù của ngành này là nguyên phụ liệu đầu vào cho tôm, cá lấy từ nguồn cung trong nước, nên khi tỷ giá tăng, không chỉ DN xuất khẩu được hưởng lợi mà nông dân cũng có thể bán được giá cao hơn.
Như vậy, có thể nói, với động thái điều chỉnh này, không chỉ thể hiện NHNN kịp thời đi trước một bước, mà còn chủ động tạo cơ hội cho DN xuất khẩu cạnh tranh thời điểm cuối năm.
Đối với xuất khẩu thủy sản, hiện thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản chiếm phần lớn. Thời gian qua, khi USD tăng giá thì Euro và Yên Nhật giảm giá mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến DN xuất khẩu thủy sản. Suốt một thời gian, các nhà nhập khẩu của thị trường châu Âu, Nhật Bản đã chèn ép, hạ giá mua khiến cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Đó cũng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu giảm trong quý I/2015.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.
Đến ngày 12/8, NHNN quyết định nới +/- 1% biên độ tỷ giá, ngay sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá USD/CNY, cho thấy NHNN sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường để hỗ trợ DN xuất khẩu vượt khó. Cuối cùng, việc NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ ngày 19/8 gần như nằm ngoài sự kỳ vọng của DN. Thay đổi lần này sẽ thúc đẩy DN xuất khẩu mở rộng sang các thị trường khác. Đặc biệt, vào dịp Tết cuối năm, các nước đang có rất nhiều đơn đặt hàng để DN Việt Nam tăng tốc sản xuất.
Nhìn chung, việc điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN có tác động tích cực về giá tới các DN xuất khẩu. Đáng nói nhất là hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước. Doanh thu của DN cũng sẽ được cải thiện hơn trước...
Công Trí (tổng hợp)