Tại hệ thống của DOJI, khách hàng có nhu cầu đầu tư vàng chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản của DOJI là sẽ có hợp đồng chốt giá, để lấy vàng về hoặc gửi vào để nhận lãi suất.
Trong lúc người dân muốn gửi tiền vào các ngân hàng còn phải chịu phí giữ hộ vàng, đằng này, DOJI lại được quyền huy động và trả lãi suất 0,5-1%. Thực tế, việc huy động và trả lãi vàng của DOJI giống như huy động và trả lãi đối với gửi tiền của các ngân hàng.
Quan điểm trái chiều về huy động vàng
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV công ty luật BASICO, “Căn cứ trên nhiều bộ luật khác nhau, về điều kiện kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014, việc doanh nghiệp vay vàng không bị cấm, kể cả trường hợp có thuộc hay không thuộc vào trường hợp “kinh doanh vàng khác” theo quy định của Chính phủ. Khoản 9, điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó chỉ cấm các tổ chức tín dụng và ngân hàng thành lập sàn vàng, huy động vàng, chứ không nói rõ rằng việc huy động vàng ở các doanh nghiệp trong nước có bị cấm hay không”.
Còn luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng doanh nghiệp huy động vàng rồi trả lãi là sai. Bởi theo quy định, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào không phải là tổ chức tín dụng thì đều không được phép huy động và trả lãi dưới bất kỳ hình thức nào (vàng, tiền đồng hay ngoại tệ).
Thông tư số 11 ngày 29/04/2011 của NHNN ban hành đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động, cho vay vàng. Doji là doanh nghiệp, không phải tổ chức tín dụng, nên họ không thuộc diện điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật này.
Tuy nhiên, khoản 9, điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã quy định rõ tại Khoản 6, 7, 8 là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp Giấy phép.
Như vậy, nếu Doji thực hiện việc huy động vàng – trả lãi khi chưa được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và NHNN cấp Giấy phép là trái pháp luật. Đồng nghĩa là các giao dịch giữa Doji với khách hàng không được pháp luật thừa nhận. Và đương nhiên, khách hàng sẽ là bên “chịu thiệt” khi tiềm ẩn các nguy cơ “rủi ro”.
Việc huy động vàng – trả lãi của Doji nếu đúng như phản ánh trong khi chưa có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và được NHNN cấp Giấy phép, thì doanh nghiệp này đã vi phạm Điều 12 và Điều 16 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
![]() |
Một số quan điểm cho rằng doanh nghiệp này đã lách kẽ hở của pháp luật để huy động vàng trái phép, nhưng không thể xử lý được
Vi phạm pháp luật?
Có lẽ, Tập đoàn DOJI đã khá tự tin khi căn cứ vào các yếu tố pháp lý khác nhau để huy động vàng. Nếu DOJI được huy động vàng, thì nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ tận dụng một số “kẽ hở” pháp luật để huy động vàng, như vậy sẽ được giải quyết ra sao?
NHNN đã chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Còn DOJI là tập đoàn kinh doanh vàng, bạc lại được huy động và trả lãi hoặc bán, kinh doanh và hưởng chênh lệch theo sự lên xuống của thị trường, như vậy liệu có hợp pháp?
Việc DOJI huy động vàng được công khai từ rất lâu, nhưng không có cơ quan quản lý nào có ý kiến về vấn đề này. Nếu việc huy động và trả lãi của DOJI tiếp tục được duy trì thì các doanh nghiệp khác chắc chắn cũng sẽ triển khai các nghiệp vụ trên.
Đây có thể là lỗ hổng pháp lý mà Tập đoàn DOJI đã tận dụng để lách luật và tạo tiền lệ mới cho các đơn vị khác huy động và cho vay bằng vàng, làm tăng tình trạng vàng hóa, đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ…
Theo các chuyên gia, việc NHNN vẫn chưa thể can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp huy động sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế.
Các doanh nghiệp vàng khác cũng thừa thế lách luật, tiếp tục huy động vàng để làm nguyên liệu, sản phẩm, vừa huy động, vừa trả lãi vừa cho vay mà khó ai kiểm soát được.
“Việc Doji huy động vàng và trả lãi là đi ngược lại chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, việc huy động vàng trong dân, thành lập sàn vàng để các tổ chức tín dụng, ngân hàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh vẫn là điều đáng phải suy nghĩ thêm. Điều đó giúp minh bạch hóa các giao dịch vàng chui đang chiếm quá nửa số lượng giao dịch vàng trên thị trường hiện nay” một chuyên gia nhận định.
Lê Hoàng