Giá vàng thế giới năm 2024 đã ghi nhận mức tăng tốt nhất trong vòng 1 thập kỷ qua khi tăng tới gần hơn 28% kể từ đầu năm. Kim loại quý này đã ghi nhận tới 40 lần lập đỉnh, có thời điểm tiến sát 2.800 USD/ounce vào cuối tháng 10.
Theo các chuyên gia của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Trung Quốc và Ấn Độ là các thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Nhu cầu tại hai nước này đã góp phần kéo giá vàng lên đỉnh trong năm nay.
Các chuyên gia cho biết, trong năm 2023-2024, giá vàng tăng chủ yếu nhờ lực mua của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, sức mua của các “cá mập” này đang giảm dần. Nếu năm 2023, lực mua vàng của các ngân hàng trung ương chiếm 20% tổng nhu cầu vàng toàn thị trường, thì đến quý III/2024, tỷ lệ này chỉ còn 8%.
Đa số ý kiến cho rằng đà tăng của kim loại quý sẽ chậm lại trong năm 2025 và sau đó sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”. |
Tại thị trường trong nước, với các biện pháp bình ổn của Ngân hàng Nhà nước thông qua bán vàng qua các ngân hàng thương mại và Công ty SJC, giá vàng SJC đã phần nào hạ nhiệt và tiệm cận với giá vàng thế giới kể từ giữa năm tới nay.
Thương hiệu vàng này ghi nhận mức tăng hạn chế hơn thị trường thế giới với mức tăng gần 13%. Còn vàng nhẫn thì chứng kiến mức tăng mạnh mẽ tới hơn 34% sau gần một năm.
Trong báo cáo về triển vọng giá vàng 2025 vừa phát hành, WGC nhận định kim loại quý vẫn có tiềm năng tăng giá, nếu nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm nay. Bên cạnh đó, nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược, kim loại quý sẽ gặp nhiều thách thức.
Rạng sáng ngày 19/12 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất thêm 0,25 điểm %, nâng tổng mức giảm trong năm 2024 lên 1 điểm %. Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ vẫn dao động trong khoảng 2,5-3% suốt năm 2024, cao hơn mục tiêu 2% của Fed, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly đã kêu gọi giảm tốc độ cắt giảm lãi suất. Bà Daly cho rằng mức lãi suất lý tưởng có thể dừng ở khoảng 3% sau tháng 12/2025.
Ngay sau động thái của Fed, giá vàng thế giới giảm 1%, xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần. Kéo theo giá vàng miếng SJC, nhẫn tròn trơn trong phiên giao dịch ngày 19/12 đột ngột lao dốc, giảm cả triệu đồng mỗi lượng.
Các chuyên gia trong nước cũng nhận định giá vàng năm 2025 khó bật tăng mạnh mẽ như năm 2024. Từ nay đến khoảng tháng 1 và 2/2025, giá vàng thế giới vẫn sẽ nằm ở mức 2.600 - 2.750 USD/ounce.
“Giá vàng thế giới rất khó để biết, nhưng theo đoán định của tôi, năm 2025, nền kinh tế thế giới sẽ ổn hơn, các cuộc xung đột sẽ dịu bớt đi. Nền kinh tế của Mỹ sẽ mạnh lên trước các quyết sách của tổng thống Donald Trump, là những yếu tố khiến giá vàng xuống, ổn định hơn”, chuyên gia kinh tế Định Trọng Thịnh nêu.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, dù giá vàng thế giới diễn biến theo chiều hướng nào thì trong nước, việc cơ quan quản lý siết chặt thị trường vàng và diễn biến tỷ giá hiện nay đều không có lợi cho việc đầu tư vàng.
Đồng tình, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cũng cho rằng theo nguyên lý, khi kinh tế hồi phục thì vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”. Do đó, theo khuyến nghị của chuyên gia này thì thời gian tới, đặc biệt từ năm 2026, nhà đầu tư nên hạn chế đầu tư vào vàng.
Dẫn chứng giai đoạn từ năm 2013 - 2019, sau khi tăng mạnh, giá vàng trong nước đã giảm từ 48 triệu đồng/lượng xuống 36 triệu đồng/lượng và đi ngang suốt 6 năm này. Đối chiếu với giai đoạn 2025, ông Huấn cho rằng đây là giai đoạn tiền phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, do đó vàng sẽ tăng chậm lại.
“Tuy nhiên, giai đoạn này, nhà đầu tư cũng chưa nên bán vàng ra mà có thể giữ đến năm 2026 mới bắt đầu bán. Tại vì vàng vẫn còn dư địa tăng do Fed đang trong lộ trình tiếp tục giảm lãi suất. Một khi xác định kinh tế hồi phục trên toàn cầu thì chắc chắn giá vàng sẽ giảm”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Thanh Hoa