Phản ứng trước thông tin Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ngừng bắn để thiết lập hành lang nhân đạo, giá vàng thế giới đêm qua có lúc giảm mạnh 38 USD/ounce, từ 1.995 USD/ounce xuống còn 1.957 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 11/3.
Giá vàng trong nước đang trong cơn sốt giả. |
Tuy nhiên, các thị trường quan trọng khác ghi nhận trái phiếu Mỹ trở nên hấp dẫn khi lãi suất lên tới 2%/năm. Giá dầu thô chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giao dịch ở mức 106 USD/thùng.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga và cho biết các đồng minh của Mỹ là các quốc gia thuộc nhóm G7 sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các tổ chức tài chính của Nga.
Trong khi đó, dự báo lạm phát hàng năm tại Mỹ sẽ lên tới 5,4% và chiến sự ở Ukraine càng kéo dài thì điều kiện tăng trưởng kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Với các thông tin trên, giới đầu tư tài chính cho rằng, lạm phát toàn cầu còn leo thang trong thời gian dài. Từ đó, nhiều người dồn vốn vào vàng để bảo toàn vốn, khiến giá vàng bật tăng, giành lại 33 USD/ounce, từ 1.957 USD/ounce vọt lên 1.990 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 12/3. Sau đó, giá vàng hôm nay của thế giới gần như đi ngang rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.992 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 4-2022, giao dịch lần cuối ở mức 1.982 USD/ounce.
Tại Việt Nam, sau 3 ngày liên tiếp giảm sâu, giá vàng trong nước rạng sáng 12/3 bật tăng trở lại với mức tăng từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Tập đoàn Phú Quý đã điều chỉnh tăng 800.000 đồng ở chiều mua vào và 600.000 đồng ở chiều bán ra. Với mức tăng này, giá vàng Phú Quý SJC đang là 68,3 triệu đồng/lượng mua vào và 70,1 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,4 triệu đồng/lượng mua vào và 70,2 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với ngày trước đó, giá vàng SJC đã tăng 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Trước đó, lúc 9 giờ ngày 11/3, giá vàng SJC được niêm yết 67,9 - 69,7 triệu đồng/lượng, tăng thêm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày 10/3 là 69,6 triệu đồng/lượng. Đến 10 giờ cùng ngày, giá vàng SJC tăng 800.000 đồng /lượng, cán mức 70,5 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng trong nước có nhiều lần tăng giảm rồi xuống còn 70,2 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia trong nước, những ngày này, cùng với những biến động thất thường từng phút, từng giờ, trong biên độ lớn, thị trường vàng mang nhiều yếu tố rủi ro.
So với mức đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng đạt được vài ngày trước, lượng khách hàng đã quyết định bán ra, nhiều hơn mua vào vì sợ giá vàng còn giảm tiếp. Trong khi đó, giá vàng SJC chênh lệch quá lớn so với vàng thế giới, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch quá này trở thành "hiện tượng " của giá vàng, tạo nên cơn sốt giả trên thị trường. Trong khi trên thực tế, giá vàng biến động mạnh nhưng lượng khách đến giao dịch không có sự đột biến, thậm chí khá vắng vẻ.
Tại thời điểm khảo sát giá vàng, USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,62% lên 99,115 điểm.
Tỷ giá Euro so với USD giảm 0,65% xuống 1,0912. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,36% xuống 1,3036. Tỷ giá USD so với Yên Nhật tăng 1,00% lên 117,29.
Theo Investing, tỷ giá USD tiếp tục tăng cao, trong khi đồng Euro cũng có dấu hiệu phục hồi với việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có quan điểm "diều hâu" trong cuộc họp chính sách mới đây.
Trong nước, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 12/3 là 23.164 VND/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại giao dịch ở mức 22.700 VND/USD chiều mua vào và 23.010 VND/USD chiều bán ra.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD đang giao dịch ở mức 23.430 - 23.485 VND/USD.
Châu Giang